Saigon Co.op chiếm lĩnh 62% thị phần bán lẻ

Ngày 21-9, Báo SGGP có đăng bài: “Thị trường bán lẻ: Điều gì đang diễn ra”, phản ánh và dự báo một số tình hình liên quan đến ngành bán lẻ sau 10 năm gia nhập WTO. Đến ngày 1-10, Báo SGGP có nhận được văn bản từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đề nghị làm rõ các số liệu trong bài viết, thông tin về nhân sự của một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam đề cập trong bài viết không rõ ràng, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tác động tiêu cực tới tâm lý người lao động… 

Để rộng đường dư luận, chúng tôi trích đăng một số nội dung chính từ văn bản của đơn vị này. Theo số liệu Saigon Co.op cung cấp từ kết quả của Công ty Euromonitor, năm 2017, các nhà bán lẻ nội chiếm 50,4% thị phần, nhà bán lẻ ngoại chiếm 38,3% và nhà bán lẻ khác chiếm 11,3%.

Saigon Co.op với 2 thương hiệu Co.opmart và Co.op Food chiếm 62% thị phần, cách biệt khá xa đơn vị xếp thứ 2 là Vingroup với 6,3% thị phần.

Liên quan đến con số dự báo khối ngoại sẽ chiếm 68,3% thị phần vào năm 2020, Saigon Co.op cho biết đây không phải là con số chính thức từ Euromonitor đưa ra.

Đây là số liệu được Saigon Co.op dự ước dựa trên các cơ sở nền tảng số liệu về doanh số và tốc độ tăng trưởng của các nhà bán lẻ trong năm 2015; giả định các kịch bản M&A của một số nhà bán lẻ ngoại, trong đó có giả định kịch bản Big C và Metro Cash&Carry sáp nhập cùng một chủ thì khả năng chi phối thị trường sẽ lớn hơn; kế hoạch phát triển mạng lưới của các nhà bán lẻ được công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng.

Về nhận định các nhà bán lẻ nước ngoài đang bước vào cuộc đua tốc lực, trong khi các nhà bán lẻ trong nước lại tỏ ra đuối sức, hoạt động cầm chừng… Saigon Co.op, cho rằng không đúng thực tiễn tại đơn vị này. Trong 3 năm gần đây với sự chuyển mình tích cực, Saigon Co.op đã đạt nhiều thành quả nhất định.

Cụ thể, chiến lược phát triển của Saigon Co.op định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2025 được xây dựng một cách rõ ràng, chi tiết bởi Tập đoàn tư vấn Boston Consultant Group, được Thành ủy TPHCM và UBND TPHCM thông qua để triển khai.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, ban lãnh đạo Saigon Co.op đặt kế hoạch và chỉ tiêu tăng trưởng doanh số và khách hàng tối thiểu phải giữ bằng hoặc cao hơn so với năm trước. Tổng doanh số toàn liên hiệp tăng 7.5 lần trong giai đoạn 2007-2017.

Tính đến cuối năm 2016, tổng số điểm bán của Saigon Co.op là 365, đến hết năm 2018 con số này tăng gấp đôi với 660 điểm bán. Dự kiến tháng 10-2018, đơn vị này sẽ khai trương siêu thị thứ 100.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op tiếp tục đa dạng hóa các mô hình bán lẻ như cửa hàng tiện lợi Cheer (liên doanh cùng đối tác FairPrice), mô hình Co.opmart phân khúc cao (thương hiệu Finelife) dự kiến khai trương trong năm 2019.

Saigon Co.op tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm như dự án chuẩn hóa các mô hình bán lẻ, cải tiến năng lực logistics, xây dựng trung tâm phân phối mới, chiến lược công nghệ, hình thành bộ phận Data Mining, đánh giá công việc theo KPIs và chính sách lương mới.

Với cách làm này, Saigon Co.op sẽ đảm bảo duy trì và giữ vững vị trí nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam trong vòng 5 năm tới, thậm chí xa hơn. Liên quan đến nhân sự phản ánh trong bài viết khiến bạn đọc suy luận không đúng, văn bản từ phía Saigon Co.op cho hay, thông tin này trùng với diễn biến về kế hoạch nhân sự của đơn vị.

Thực tế, một lãnh đạo của Saigon Co.op có nguyện vọng xin nghỉ để nâng cao trình độ; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cấp có thẩm quyền. Mục đích xin nghỉ việc xuất phát từ lý do cá nhân, theo kế hoạch cụ thể và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho thay đổi này để không làm ảnh hưởng chung đến hoạt động của Saigon Co.op.

Tin cùng chuyên mục