SaigonBank luôn đảm bảo thanh khoản và kiểm soát nợ xấu

Mặc dù đang trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nhưng SaigonBank vẫn hoạt động có lãi là 112 tỷ đồng, đạt 74,66% kế hoạch. Hiện SaigonBank vẫn được đánh giá là một trong những ngân hàng lành mạnh, có thể tự tái cơ cấu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2018, trong đó, tăng trưởng lợi nhuận trong các hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh khác và hoạt nhập từ góp vốn, mua cổ phần với mức tăng trưởng khá, lần lượt là 8,5%, 1,2% và 300%. Mặc dù đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nhưng SaigonBank vẫn hoạt động có lãi là 112 tỷ đồng, đạt 74,66% kế hoạch. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng này có nhỉnh hơn so với quy định. Chúng tôi có buổi trao đổi với ông Vũ Quang Lãm – Thành viên Hội đồng quản trị đảm nhiệm công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị - Người đại diện theo pháp luật của SAIGONBANK xung quanh vấn đề này. 

- Xin ông cho biết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của SaigonBank?

Ông Vũ Quang Lãm
>> Ông Vũ Quang Lãm: Tính đến ngày 30-6-2018, hoạt động SaigonBank vẫn ổn định, thanh khoản được đảm bảo với một số kết quả đáng ghi nhận. 


Cụ thể, tổng tài sản đạt 20.725 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn đạt 16.953 tỷ đồng, tăng 7,63% so với cùng kỳ. Cho vay đạt 13.852 tỷ đồng, tăng 5,7 % so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của SaigonBank trong 6 tháng đầu năm là 112 tỷ đồng. 

Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, quy mô cho vay – huy động có giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2017. Nguyên nhân là do SaigonBank đang tự mình điều chỉnh lại đối tượng cho vay nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và tập trung đáp ứng vốn cho các chương trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TPHCM trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, SaigonBank cũng rà soát, đánh giá lại các khoản nợ hiện có, nhận diện các rủi ro để xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đang trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nhưng SaigonBank vẫn hoạt động có lãi là 112 tỷ đồng, đạt 74,66% kế hoạch. Hiện SaigonBank vẫn được đánh giá là một trong những ngân hàng lành mạnh, có thể tự tái cơ cấu. Chính vì lẽ đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua và giao cho Hội đồng quản trị phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

- Được biết, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm của SaigonBank có tăng so với quy định. Ông có thể cho biết về thực trạng nợ xấu của SaigonBank hiện nay như thế nào và tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu?

Chủ trương của Ban Lãnh đạo SaigonBank là tuyệt đối không che giấu nợ xấu vì SaigonBank luôn hoạt động với phương châm công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định pháp luật. Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TPHCM (AISC), nợ xấu nội bảng SaigonBank đến 30-6-2018 là 897 tỷ đồng, chiếm 6,48% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả tạm thời trong khi SaigonBank triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Phương án đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, giao Hội đồng quản trị phê duyệt). Chủ trương của Ban Lãnh đạo SaigonBank là tuyệt đối không che giấu nợ xấu nên chúng tôi đã chủ động và tích cực rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ hiện tại, phân loại và hạch toán trung thực phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ để từ đó có giải pháp xử lý. 

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ về nợ xấu của ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất vào giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chung của kinh tế thế giới, đã ảnh hưởng đến dòng tiền hoàn vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư; đối với khách hàng cá nhân kinh doanh vận chuyển không hiệu quả; đầu tư nông nghiệp (trồng lúa, nuôi cá,…) gặp thời tiết không thuận lợi, bị mất mùa, hoặc biến động giảm giá cá xuất khẩu; đầu tư kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng không thu được tiền; kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ thời điểm giá bất động sản cao khi giá xuống không bán kịp nên bị lỗ không trả nợ được... từ đó đã dẫn đến hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, khách hàng bị mất khả năng thanh toán nợ/lãi cho SaigonBank. Bên cạnh đó, một số khoản nợ cơ cấu hết thời gian cơ cấu mà khách hàng không có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh dẫn đến không trả nợ được cho SaigonBank. Các khoản nợ nhóm 2 chuyển nợ xấu do khách hàng không thanh toán nợ/lãi cho SaigonBank do việc kinh doanh gặp khó khăn nguồn doanh thu không đủ khả năng trả nợ. 

Thêm một điều cần khẳng định là hầu hết các khoản nợ xấu của SaigonBank đều có tài sản bảo đảm đầy đủ và có khả năng thu hồi. Vấn đề là để xử lý đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật cần có lộ trình và thời gian nhất định, cụ thể là cần đảm bảo thủ tục thu giữ tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản, khởi kiện, thi hành án… 

Thêm một điểm đánh lưu ý là mặc dù tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank cao hơn mức 3% là do quy mô dư nợ của SaigonBank còn khiêm tốt chứ con số tuyệt đối về nợ xấu của SaigonBank so với mặt bằng chung là không lớn. 

SaigonBank luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về các tỷ lệ an toàn vốn

- Vậy SaigonBank có giải pháp xử lý nợ xấu của trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Để xử lý nợ xấu một cách rốt ráo, Ban lãnh đạo SaigonBank đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp để xử lý nợ xấu và các giải pháp này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua tại phương án tái cơ cấu SaigonBank. 

Cụ thể, thực hiện miễn, giảm lãi nhằm chia sẻ chi phí tài chính và tạo điều kiện tích cực hơn để khách hàng có động lực hơn trong thanh toán nợ. Khuyến khích khách hàng chủ động bán tài sản để thanh toán nợ cho SaigonBank. Thực hiện khởi kiện, phát mãi tài sản đối với những khách hàng cố tình chây ỳ, không hợp tác với ngân hàng để xử lý nợ xấu. Đồng thời, SaigonBank cũng sử dụng năng lực tài chính của bản thân để xử lý các khoản nợ xấu, nợ tồn đọng nhằm xử lý nợ xấu... 

Chúng tôi tin tưởng rằng, khi áp dụng có hiệu quả đồng bộ các giải pháp trên, hoạt động của SaigonBank sẽ nhanh chóng ổn định, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian sớm nhất. 

- Ông đánh giá thế nào về tính an toàn trong hoạt động của SaigonBank?

Chúng tôi khẳng định rằng, hoạt động của SaigonBank luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về các tỷ lệ an toàn vốn. Trong quá trình hoạt động, SaigonBank cũng luôn báo cáo và nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Riêng đối với vấn đề nợ xấu, chúng tôi luôn tuân thủ việc phân loại nợ đúng và trích lập đầy đủ dự phòng đầy đủ theo quy định. Lũy kế đến nay, tổng số quỹ dự phòng rủi ro của SaigonBank hơn 600 tỷ đồng, tỷ lệ này hơn 67% so với nợ xấu nên ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động xử lý nợ xấu trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, các khoản nợ xấu của SaigonBank đều có tài sản đảm bảo nên ngân hàng không mất vốn mà sau khi xử lý nợ xấu sẽ tăng thêm thu nhập cho ngân hàng. Chính vì thế, một lần nữa chúng tôi có thể khẳng định rằng dù nợ xấu hiện nay cao hơn mức 3% nhưng SaigonBank vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả; đồng thời vấn đề nợ xấu luôn được Saigonbank kiểm soát tốt.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục