Vở kịch “Cám ơn mình đã yêu em”

Sự nuối tiếc ngọt ngào

Sự nuối tiếc ngọt ngào

Màn đóng, đèn bật sáng. Mắt đỏ hoe, mọi người trong khán phòng nhìn nhau, tỏ chút thẹn thùng rồi cùng cười. “Tình yêu của họ đẹp quá!”, ai đó đã “thanh minh” bằng một câu như vậy và nhận được nhiều cái gật đầu tán đồng. Buổi ra mắt vở kịch “Cám ơn mình đã yêu em” (Tác giả: Hoàng Thái Thanh; đạo diễn: Ái Như; Sân khấu IDECAF) đã phần nào đem lại sự thỏa mãn cho những ai hồi hộp dõi theo câu chuyện tình dài nhiều tập lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu kịch nói.

Phần 1: Khúc dạo đầu êm ái

Sự nuối tiếc ngọt ngào ảnh 1

Ở “tập 1”, tức vở kịch Thử yêu lần nữa, câu chuyện mở đầu bằng nỗi cô đơn của một gia đình có cái tên rất ngộ: Người cha là Thôi Ứng (Hữu Châu), người con là Thôi Hồng Phấn (Thành Hội) và thằng cháu nội Thôi Oanh Liệt (Quốc Khánh). Ba người đàn ông sống côi cút dưới một mái nhà. Ông Thôi Ứng (ông mụt ruồi) tuy lấy vợ đẻ con nhưng trong lòng luôn nhớ mong người tình đầu là bà Nhớ (Kim Xuân).

Còn Thôi Hồng Phấn thì trái tim chai sạn, mất lòng tin vào đàn bà vì vợ bỏ đi tìm sự giàu sang. Phần 1 kết thúc bằng niềm vui là cuộc “tái hồi Kim Trọng” sau 40 năm lạc mất nhau của ông Ứng và bà Nhớ cùng “tình trong như đã...” của ông Phấn và cô giáo Bích Hồng (Hồng Ánh).

Phần 2: Đốt thêm lửa

Sau khi vở Thử yêu lần nữa ra đời suốt một năm mà vẫn chưa chịu ngưng... sốt vé, nhóm thực hiện gồm đạo diễn Ái Như và Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội cảm thấy hưng phấn bèn “đốt thêm lửa” bằng cách kể tiếp câu chuyện tình của các nhân vật của họ bằng vở kịch phần 2 có tên Màu của tình yêu. Ở cuối phần 1, nỗi tương tư dài gần nửa thế kỷ của ông mụt ruồi và bà Nhớ đã được đền bù và sự căm ghét đàn bà của ông Phấn cũng đã được giải tỏa bằng việc “thử yêu lần nữa”. Tưởng vậy là xong... phim, nào ngờ ở phần 2, vợ cũ của ông Phấn (cũng tên Bích Hồng) trở về, với ước muốn nối lại duyên xưa. Sóng gió nổi lên, một ông - hai bà ghen tuông giận hờn, bị rối nùi trong cuộc chiến giữa tình và lý. Cuối cùng thì “biển” cũng hết cồn cào, hai đám cưới một già, một trẻ diễn ra thật đầm ấm.

Phần 3: Sóng gió bất ngờ

Rồi cũng cùng “số phận” với Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu diễn mãi cả năm vẫn không chịu hết khách. Nhóm thực hiện lại có cảm giác mình nặng nợ với khán giả nên suy nghĩ tìm cách trả nợ và không có cách trả nào làm vui lòng chủ nợ hơn là tiếp tục kể về chuyện tình của các nhân vật đang “hot” của họ. Cưới nhau rồi, họ sống ra sao, vậy là Cám ơn mình đã yêu em ra đời. Tính từ ngày sum họp phụng loan đến nay đã 5 năm, ông mụt ruồi và bà Nhớ tuy đã thêm lưng còng tóc bạc song ngày ngày không rời nhau nửa bước, còn ông Phấn và cô Bích Hồng đang nôn nóng chờ ngày đứa con đầu lòng của họ ra đời.

Vẫn những câu như năm năm trước họ hỏi nhau tình yêu màu gì (mà không ai biết màu gì!), bây giờ họ nựng nhau xoay  quanh cái bụng bầu. Nhưng rồi bỗng, bà Hồng đi khám thai từ sáng đến tối mịt chưa chịu về. Ở nhà ông Phấn như bị lửa đốt. Không phải ông lo cho bà mà lòng ông đang bị “cháy” theo cái xưởng may, thiêu rụi hết cơ nghiệp hàng tỷ đồng. Ông nóng lòng gọi điện, bà tắt máy, tối mịt mới về, nói bận đi... siêu thị sắm đồ! Mà siêu thị nào mở cửa tới 11 giờ? Vậy là nổ ra chiến tranh! Bà đòi ly dị cái rẹt mà không cần nói lý do. Ông tức sôi máu, ừ thôi, ly thì ly, bây giờ ông trắng tay rồi, bà bỏ là phải!

Cái hay của nhóm thực hiện (đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội với danh nghĩa vừa là tác giả, vừa là người dàn dựng) là đã nghĩ ra được cái zíc zắc để tạo sự xung đột hợp lý giữa lúc tình yêu của họ đang hết sức mặn nồng. Bên nào cũng có nguyên nhân chính đáng để trách cứ “đối tác”. Thế nhưng, đó là cơn “sóng thần” cuối cùng trong cuộc tình của họ. Họ đã chia tay nhau trong nước mắt, đã vĩnh viễn không còn được sống bên nhau nữa nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi vì họ mãi mãi là “mình” của nhau... “Cám ơn mình đã yêu em”.

Phần kết: Sự nuối tiếc ngọt ngào

Cho đến lúc hạ màn, khán giả dường như vẫn chưa chịu tin là vở kịch đã kết thúc. Họ ngồi lặng trên ghế với một cảm xúc vừa xót xa, vừa tiếc nuối. Vậy là hết, sẽ không còn dịp để gặp lại ông mụt ruồi và bà Nhớ - đôi tình nhân già làm toàn những chuyện buồn cười; không còn thấy ông Phấn - bà Hồng mà tình yêu đã khiến họ đôi lúc ngây ngô như trẻ nít; không còn gặp đôi trẻ Thôi Oanh Liệt và Duyên xinh đẹp với tình yêu trong sáng,...

Cả ba vở Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu và Cảm ơn mình đã yêu em trong cùng một câu chuyện đã cho thấy sức sáng tạo dồi dào cùng sự lao động cật lực, nghiêm túc của đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội trong vai trò tác giả kịch bản. Câu chuyện họ kể cũng chừng ấy nhân vật nhưng trong suốt ba vở không hề có chi tiết bị lặp lại mà luôn đem đến cho người xem sự bất ngờ, khó đoán trước. Qua “serie” vở kịch ba tập này, người ta càng thêm khâm phục đạo diễn Ái Như ở sự sâu sắc khi khai thác các đường dây tâm lý. Không một hành động thừa, không một tình tiết nào bị dư mà tất cả diễn ra mạch lạc và tự nhiên như cuộc đời vốn thế. Cuộc đời trong thực tế ấy qua “đôi đũa thần” của chị đã hiện ra trên sàn diễn đầy tính nghệ thuật, đạt được tiêu chuẩn cao về tính thẩm mỹ.

Trong suốt ba vở trên, vở nào cũng bao gồm đầy đủ những cảm giác hỉ- nộ-ái-ố, xen lẫn giữa nụ cười và tiếng khóc. Nụ cười duyên dáng, hóm hỉnh và tiếng khóc tinh tế, kín đáo như chảy ngược vào trong lòng. Khán giả đến xem các vở trên, không chỉ được vui buồn cùng nhân vật mà còn qua đó, tìm được nhiều lời giải đáp cho chính những khúc mắc trong cuộc đời riêng của mình. Xin mượn tên vở kịch để gửi đến Ái Như và nhóm thực hiện lời cảm ơn: Cám ơn “mình” đã cho chúng tôi một món ăn tinh thần tuyệt vời và khán giả đi xem, nhớ đừng quên mang theo... khăn mù-xoa.

NHẬT LAM

Tin cùng chuyên mục