Việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp

Cầu nối đã thông

Cầu nối đã thông

Có thể nói, giới trẻ bây giờ tìm việc làm không khó bởi thông tin về thị trường lao động-việc làm hiện nay rất đa dạng và không chỉ đăng tải thường xuyên trên báo chí, internet hoặc thông qua các công ty tuyển dụng mà còn trở thành một mảng hoạt động không tách rời của nhiều trường đại học trong thành phố. Tuy nhiên, tìm được việc làm phù hợp chuyên môn, lại có thu nhập ổn định, không hẳn dễ.

  • Nguồn việc: đa dạng, phong phú
Cầu nối đã thông ảnh 1

Phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hội chợ Việc làm TPHCM. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ.

Vẫn diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM nhưng “Sàn Giao dịch Thị trường lao động lần 2”, tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua, đã thu hút 12.000 thanh niên tham dự, nhiều gấp bốn lần so với kỳ trước.

Rất đông sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 háo hức tham gia không chỉ để biết thêm nhu cầu tuyển dụng mà còn học hỏi cách ứng cử trước doanh nghiệp (DN) đồng thời nắm thêm thông tin hoạt động sản xuất của các công ty…

Đưa ra hơn 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng, 52 DN lớn, nhỏ trong và ngoài nước đã có buổi gặp gỡ và phỏng vấn tại chỗ hàng ngàn ứng viên. Sau đợt sát hạch bước đầu tại sàn giao dịch, gần 2.000 ứng viên được mời về DN để phỏng vấn tiếp hoặc nhận việc. Bên cạnh thông tin tuyển dụng, nhiều DN còn thông báo cả kế hoạch nhân sự trong tương lai. Đặc biệt, chương trình ứng viên tự giới thiệu trước nhà tuyển dụng đã tạo ra không khí đối thoại sôi nổi, hơn 300 người trong số 400 ứng viên đã được tuyển dụng. Hoạt động của sàn giao dịch lần này đã giúp DN hiểu rõ ứng viên và ứng viên cũng nhận được nhiều lời khuyên từ DN.

Nếu như trước đây các thông tin tuyển dụng xuất hiện chủ yếu trên báo chí thì hiện nay đã xuất hiện đầy rẫy trên internet hay tại bảng thông báo của các trường đại học. Chỉ cần ngồi một chỗ lướt web, bất kỳ ai cần tìm việc có thể tha hồ điểm qua danh sách hàng loạt công việc cần tuyển tại các địa chỉ như vietnamworks.com, kiemviec.com, 24h.com.vn, raovat.com, vieclambank.com, 1001vieclam.com, vncomputerjobs.com (việc làm dành cho ngành công nghệ thông tin), jobviet.com.vn…

Ngoài ra, các trang web này còn hướng dẫn cách làm hồ sơ xin việc và có mẫu sẵn để người lao động tham khảo, gửi hồ sơ đến để được tư vấn và chỉnh sửa. Nhờ lang thang trên mạng mà Ngọc Hoa (sinh viên năm thứ 4, ĐH Luật TPHCM) đã tự túc được chi phí trong suốt mấy năm học bằng vài mối việc làm “part-time” (bán thời gian) như phát tờ rơi, tham gia hoạt động tổ chức trại hè cho các trường ngoại ngữ, nghiên cứu thị trường…

Mới đây, khi Hoa đăng thông tin tìm việc trên mạng, đã có hai công ty gọi đến thử việc. Sự tiện lợi, nhanh chóng và phổ biến của internet đã được nhiều DN lựa chọn làm công cụ tuyển dụng nhân sự với chi phí rẻ mà hiệu quả.

Nhiều công ty tuyển dụng nhân sự cho rằng thị trường lao động ở thời điểm này đang thay đổi theo hướng “việc tìm người” chứ không phải “người tìm việc” như trước đây, đặc biệt là ưu tiên tuyển lao động trẻ. Do đó, đối tượng sinh viên mới ra trường có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm. Nhiều DN đã chủ động tiếp cận nguồn nhân lực bằng cách mở rộng chương trình tuyển dụng xuống các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, hoặc tham gia nhiều hội chợ việc làm…

Chính sách tuyển dụng nhân sự của DN cũng nhẹ nhàng hơn, không đặt nặng vấn đề kinh nghiệm làm việc mà chú trọng nhiều đến kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Phần lớn các công ty hiện nay đang tung ra chiến lược nhân sự hướng vào nguồn lực dồi dào từ đội ngũ sinh viên được đào tạo bài bản nhằm xây dựng lực lượng kế thừa cho công ty.

Sở dĩ có sự xoay chiều này vì một mặt, DN muốn tận dụng nguồn lao động chất lượng mà chỉ phải trả mức lương tương đối, mặt khác, họ đánh giá cao sự năng động của lớp trẻ thừa nhiệt tình, có khả năng hội nhập và tiếp thu nhanh chương trình đào tạo mới tại nơi làm việc.

Thông thường, một sinh viên mới ra trường mất khoảng 3 tháng để hòa nhập guồng máy làm việc của công ty mình. Song, các chuyên viên tư vấn nhân sự cũng cảnh báo rằng với các kênh việc làm đa dạng như hiện nay, SV mới tốt nghiệp rất thuận lợi để kiếm việc làm nhưng một sai lầm họ thường mắc phải là vội “gật đầu” trước cơ hội việc làm mà chưa tìm hiểu kỹ công ty và tính chất công việc.

Chính tâm lý cần việc để kiếm tiền dẫn đến tình trạng chấp nhận làm trái nghề, sau đó loay hoay chuyển việc để tìm việc khác phù hợp hơn. Nguyễn Thị Vân Kiều (22 tuổi, tốt nghiệp khoa Tin học quản lý của ĐH Kinh tế TPHCM) vừa ra trường đã nộp đơn cho 6 công ty theo kiểu may, rủi. Sau đó, Kiều được nhận vào làm ở công ty tư nhân kinh doanh thiết bị viễn thông tại quận 4.

Sau thời gian ngắn, Kiều đâm đơn xin nghỉ vì “vào làm em mới biết công ty mới được thành lập cách đây nửa tháng. Chế độ đãi ngộ không tốt, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp và em không hài lòng về mức lương. Đến giờ, em đã thất nghiệp 3 tháng rồi và phải bắt đầu lại từ đầu. Rút kinh nghiệm, lần này em sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn nơi làm việc”.

  • Doanh nghiệp và nhà trường “bắt tay” tuyển dụng

Thay vì trả phí rao tuyển trên báo chí hoặc thông qua các đơn vị làm dịch vụ tuyển dụng hay tìm đến công ty “săn chất xám” như Navigos, SHL, L&A, Netviet, Nhân Việt, HR Vietnam…, hầu hết các DN hiện áp dụng cách tuyển dụng nhân sự tiết kiệm và hiệu quả nhất là tuyển trực tiếp ở các trường đại học. Hàng năm, văn phòng Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của trường tiếp nhận rất nhiều yêu cầu tuyển dụng của các công ty.

Trong đó, nhiều công ty đã trở thành “mối” quen thuộc của một số trường đại học như: tập đoàn Unilever, P&G, Intell gắn kết với ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế và ĐH Bách khoa TPHCM; Công ty Holcim “kết” khoa Xây dựng-ĐH Bách khoa; Công ty IBM, Microsoft, Intell, TMA, PSV, FPT Software… là “mối ruột” của khoa Công nghệ thông tin-ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.

Đơn vị khơi mào cho hiện tượng DN tìm đến các trường đại học tuyển dụng là các công ty, tập đoàn nước ngoài mà đi đầu trong lĩnh vực này là tập đoàn Unilever. Sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Unilever đã xây dựng đội ngũ 17.000 nhân viên trẻ và năng động mà phần đông là các sinh viên được tuyển trực tiếp ở nhiều trường đại học.

Chính sách tuyển nhân sự mới của Unilever hằng năm rất lớn, họ liên tục có chương trình tuyển dụng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, chương trình “quản trị viên tập sự” dành cho SV năm thứ 3 & 4, chương trình thực tập cho SV năm cuối. Nhiều công ty lớn có tiềm lực tài chính chọn cách khôn ngoan để “săn” tài năng bằng hình thức liên tục trao học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, sinh viên xuất sắc hoặc tài trợ nhiều chương trình xã hội, dành cho SV của trường…

Có thể nói hoạt động tuyển dụng ngay tại trường đại học hiện đang diễn ra khá rầm rộ và được các trường hoan nghênh. Vào thời điểm giữa và cuối năm, các trường thường kết hợp với DN tổ chức ngày hội việc làm, tổ chức nhiều buổi hội thảo và chương trình huấn luyện SV những kỹ năng cần thiết khi xin việc…

Nếu như trước đây các DN thường kêu ca SV mới ra trường “nặng lý thuyết, thiếu thực hành” thì nay, nhiều DN đã chủ động mời SV đến thực tập, “đặt hàng” cung ứng lao động với nhà trường. Ngược lại, một số trường đã bắt đầu nghiêm túc nhìn lại vấn đề cung-cầu lao động. Trong năm học 2006-2007, ĐH Kinh tế TPHCM dành 5-10 tiết cho hơn 50 DN vào giảng bài và truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho SV; ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM triển khai công trình thanh niên “Nội dung đào tạo và yêu cầu thực tế của xã hội đối với các ngành học của trường ĐH”.

Mới đây, tại ĐH Mở TPHCM, chương trình đào tạo theo nhu cầu DN đã khởi động với khóa học đặc biệt dành cho 111 SV năm thứ nhất do chính các DN hỗ trợ kinh phí. Các SV theo học chương trình này buộc phải thi tuyển và mặc dù học phí bình thường lên đến 4 triệu đồng/năm nhưng họ được ưu tiên đóng học phí hơn 2 triệu đồng/năm. 

Hai công ty tuyển dụng trực tuyến lớn hiện nay là Vietnamworks va HRVietnam cho biết, trong khoảng hai năm trở lại đây, các công ty Việt Nam đăng quảng cáo tuyển dụng trên trang web chiếm gần 40%. Thông qua các đơn vị tuyển dụng trực tuyến, nhiều du học sinh Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội việc làm trong nước bằng cách gửi CV (lý lịch) của mình qua mạng.

Theo Bộ phận tư vấn và tuyển dụng Công ty HRVietnam, số lượng CV của du học sinh gửi đến công ty chiếm 15% lượng CV trong năm 2006 và chắc chắn con số này sẽ tăng sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục