Để cung - cầu gặp nhau

Để cung - cầu gặp nhau

Việc làm cho sinh viên, học sinh các trường đại học, trường dạy nghề mới ra trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của hàng triệu gia đình và xã hội. Tuần san SGGP Thứ Bảy đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động-Tiền lương-Tiền công, Sở LĐ-TBXH, xung quanh vấn đề thời sự này.

Để cung - cầu gặp nhau ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Dân trao đổi với công nhân xưởng may của Công ty TNHH May Mỹ Nga (Bình Tân, TPHCM).

- Rất nhiều người muốn biết hàng năm có bao nhiêu sinh viên, học sinh được đào tạo chính quy ra trường? Lĩnh vực nào có nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp nhất?

- Theo số liệu ước tính, TPHCM bình quân mỗi năm có 55.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và 80.000 học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề. Lĩnh vực có nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp là ngành kinh tế gồm có Tài chính, Tín dụng, tiền tệ, Quản trị nhân sự, Ngoại thương…; các ngành kỹ thuật như Công nghệ thông tin, Kiến trúc - xây dựng, Điện - Điện tử, Cơ khí chế tạo…; ngoại ngữ chuyên ngành.

- Theo con số mà bà nắm được, có bao nhiêu sinh viên, học sinh tốt nghiệp kiếm được việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo? Bao nhiêu trong số còn lại hoàn toàn không kiếm được việc làm?

- Với thực trạng trên, tương quan giữa cung-cầu của thị trường lao động (ngành nghề được đào tạo và ngành nghề có nhu cầu việc làm) tương đối phù hợp nhưng thực tế hàng năm cho thấy khả năng sinh viên, học sinh tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành nghề chỉ độ 30%, khoảng trên dưới 50% em có việc làm không đúng ngành nghề đã học nên thu nhập không cao và điều đáng quan ngại hơn cả là còn 20% các em ra trường khó tìm việc làm.

Nguyên nhân chủ yếu do sự đào tạo cứng nhắc, theo chỉ tiêu của nhà trường mà không theo chỉ tiêu quy hoạch nhu cầu của quốc gia, sự lựa chọn công việc của người lao động và sự tuyển dụng của các đơn vị kinh doanh, cơ quan xí nghiệp xung quanh vấn đề ngành nghề, chất lượng đào tạo và việc trả lương, trả công lao động phù hợp…

Theo tôi, trong thời hội nhập và phát triển, đa số các em học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp, ngoài chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo, bản thân các em phải tự học thêm một số kỹ năng về tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ văn phòng… thì mới dễ tìm được việc làm.

- Ngành LĐ-TBXH có tính được sự lãng phí tiền của, công sức của bản thân, gia đình và xã hội khi cung-cầu không gặp nhau trong đào tạo và việc làm?

- Sự phát triển tự phát của thị trường sức lao động đã gây ra mâu thuẫn giữa cung và cầu, đó là lực lượng lao động nhiều nhưng chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố và cả nước hiện nay. Đó là chưa nói đến cơ cấu ngành nghề phân bổ chưa hợp lý, có nhiều ngành đào tạo thừa không sử dụng hết, song lại có ngành nghề quá thiếu so với yêu cầu.

Theo tôi sự lãng phí tiền của, công sức trong công tác đào tạo và nhu cầu việc làm do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể tính được. Một số người khi chọn ngành nghề để học chỉ chạy theo xu hướng tự phát mà không dựa vào thực lực bản thân nên chất lượng đào tạo sau khi tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Theo bà, điều cốt lõi để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?

- Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có sự phối hợp giữa ba bên: đơn vị đào tạo - doanh nghiệp - người lao động. Bên cạnh đó ngành LĐ-TBXH sẽ luôn cập nhật thông tin thị trường lao động để giúp các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và người lao động nắm bắt để cùng phối hợp vận hành một cách nhịp nhàng và đồng bộ.

- Xin cám ơn bà.

TRƯỜNG KHÁNH

Tin cùng chuyên mục