Đạo diễn Phạm Ngọc Châu: “Làm phim võ thuật rất khó”

Đạo diễn Phạm Ngọc Châu: “Làm phim võ thuật rất khó”

Cú đấm (kịch bản và đạo diễn: Phạm Ngọc Châu, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Hạnh) chính thức khởi chiếu trong dịp 22-12 và Tết Dương lịch 2007. Một ngày giữa tháng 12, Tuần san SGGP Thứ Bảy gặp đạo diễn Phạm Ngọc Châu, cứ ngỡ ông rất vui nhưng ông lại có vẻ trầm ngâm...

Đạo diễn Phạm Ngọc Châu: “Làm phim võ thuật rất khó” ảnh 1

Cảnh trong phim “Cú đấm”.

– Được biết, “Cú đấm” định khởi chiếu vào dịp 2-9 nhưng đến 22-12 mới chính thức ra mắt. Xin ông cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ?

– Đúng là từ tháng 7, tôi đã nghe giám đốc Hãng thông báo như thế vì ban đầu, Hãng đã quyết định mang phim ra làm hậu kỳ ở Trung tâm điện ảnh ngoài Hà Nội, nơi có điều kiện kỹ thuật, máy móc tốt hơn, nhưng cuối cùng lại làm tại đây, máy móc, không tốt bằng và sức người có hạn nên kéo theo sự chậm trễ của bộ phim.

– Mở đầu phim là cảnh võ sĩ Lê Hùng thượng đài tranh chức vô địch tạo không khí “rất boxing” nhưng trong phim, những cảnh thượng đài như thế không nhiều, và võ đài có vẻ sơ sài, thủ công. Ông có sợ người xem sẽ thất vọng?

– Tuy nhân vật chính là một võ sĩ nhưng boxing chỉ là mảng đề tài phụ nên tôi không khai thác sâu vào chuyện đánh đấm của võ sĩ mà cái chính là muốn thể hiện thân phận của con người trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của đất nước. Cũng xin người xem đừng tưởng tượng võ đài boxing của Việt Nam những năm 1950 - 1960 hoành tráng như trong phim của Hollywood mà rất đơn giản, thậm chí được lập ngay trên sân khấu các rạp hát. Tôi còn kiếm được một số mẫu quảng cáo từ những năm 1940 - 1950 có ghi lại hình ảnh đúng như thế. Cảnh đầu tiên trong phim, tôi đã chọn rạp Đại Đồng để lập võ đài.

– Tại sao ông không khai thác đề tài boxing để hấp dẫn khán giả?

– Điểm yếu của điện ảnh Việt Nam là phim về võ thuật. Muốn làm những bộ phim dạng này cho đến nơi đến chốn rất công phu và tốn kém. Ngay từ đầu tôi đã biết vậy nhưng gặp chuyện của anh Vũ Hạnh thú vị quá nên không ngăn nổi ước muốn  chuyển thể thành phim. Cú đấm cũng chỉ được cấp kinh phí cào bằng như mức chung với các phim đề tài tình cảm khác thôi. Hơn 1 tỷ đồng phải chia ra nào là tiền làm phim, tiền trả lương, chi phí khấu hao máy móc… nên khi viết kịch bản Cú đấm tôi thoải mái thể hiện ý tưởng nhưng đến khi thực hiện phim thì nhiều thứ không làm được.

 Chẳng hạn, tôi muốn thể hiện một đại cảnh Lê Hùng đánh võ gậy trên sông đúng thời điểm Ba Cụt tổ chức đại hội võ lâm. Trong kịch bản phân cảnh thì đó là cảnh xảy ra ở một khúc sông rộng, ghe xuồng đậu san sát quây thành một võ đài trên ghe bầu y như kiểu rạp hát trên sông thời xưa, nhưng khi thực hiện cảnh quay thì không đủ kinh phí nên phải chuyển lên một rẻo đất ven sông. Hay trên đường phố Sài Gòn khoảng 1940 – 1970, xe ngựa chạy rất nhiều… tôi rất muốn có hình ảnh chiếc xe ngựa trong phim như một nét đặc trưng của Sài Gòn xưa. Thế nhưng, giá thuê xe ngựa của ông Hai Sộp ở Lái Thiêu (chuyên cho Tây mướn từ phim Người tình đến Người Mỹ trầm lặng…) quá cao; xe ngựa ở Hóc Môn thì không còn nên đành chịu.

– Sao ông không chọn một cái tên phim khác hấp dẫn hơn “Cú đấm”?

– Tiểu thuyết của nhà văn Vũ Hạnh xuất bản năm 1972 lấy tên là Cú đấm, tái bản năm 1990 lấy tên khác là Tính sổ cuộc đời (kể về Lê Hùng từ lúc đi học trung học đến già). Khi làm phim, tôi ngắt một quãng và muốn tô đậm thêm mối tình của Lê Hùng với một cô tiểu thư yêu hoa thạch thảo nên lúc đầu dự định đặt tên phim là Thạch Thảo. Nhưng làm xong, cân nhắc lại tổng thể, tôi thấy tựa cũ là Cú đấm vẫn phù hợp hơn. Cú đấm sẽ mang lại không khí mới lạ hơn cho phim Việt hiện nay.

Tóm tắt nội dung phim

Chuyện phim xoay quanh số phận của Lê Hùng, một võ sĩ quyền Anh tài hoa, sống trong thời kỳ 1945 - 1960 đầy biến động của lịch sử đất nước với những chiến tuyến, lực lượng, phe phái khác nhau. Võ sĩ Lê Hùng trở thành nạn nhân của các phe phái khác nhau khi bên này nghi ngờ anh là người của bên kia. Tài sản lớn nhất Lê Hùng mang theo trong cuộc chạy trốn lệnh truy nã của các phe phái là tình cảm cao đẹp của con người: tình ruột thịt, tình bạn, tình yêu…

Diễn viên chính: Trí Quang vai Lê Hùng, Dương Yến Ngọc vai Thu Lan, Võ Thế Vỹ vai Bảy Viên…; quay phim: Quốc Thành; họa sĩ: Phạm Nguyên Cẩn; âm nhạc: Bảo Phúc… Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 2006. 

PHÚC NHƯ THỦY 

Tin cùng chuyên mục