Tôi làm giàu bằng cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo

Tôi làm giàu bằng cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo

Hiện nay, Tạ Thị Ngọc Thảo được biết đến như một doanh nhân bản lĩnh trên thương trường với vai trò Giám đốc Công ty TNHH T.T.N.T. Không chỉ vậy, nhiều người còn ấn tượng với Tạ Thị Ngọc Thảo qua những cảm nhận, những tản mạn về cuộc sống (đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ tập hợp in thành sách “Những trang viết của một nữ doanh nhân”, xuất bản năm 2005). Sau đây là cuộc trò chuyện với chị của Tuần san SGGP Thứ Bảy.

- Dường như người ta biết đến Tạ Thị Ngọc Thảo nhiều hơn Công ty T.T.N.T.?

Tôi làm giàu bằng cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo ảnh 1

- Tôi khởi sự vào thương trường từ năm 1988, trong đó hơn 2/3 thời gian hoạt động trong thị trường bất động sản. Từ ngày đầu khởi nghiệp đến nay tôi luôn ý thức xây dựng và gìn giữ tất cả các mối quan hệ phát sinh trong kinh doanh, từ những thương vụ có lãi ít nhất đến những thương vụ nhiều lãi.

Trong môi trường kinh doanh khó tiên liệu trước như ở nước ta, tôi tự hào vì vẫn duy trì được nhiều khách hàng, nhiều đối tác suốt mười mấy năm trời.

Cứ như thế, cái tên chủ đầu tư tư nhân Tạ Thị Ngọc Thảo dần dần trở thành một thương hiệu. Tôi được phép nói mình “giàu có” lên bằng chữ tín mang cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo. Đến lúc có vốn tạm đủ để đầu tư ngược vào thị trường, tôi mới quyết định lập công ty thì 6 tháng giao dịch đầu tiên công ty phải lấy tên Tạ Thị Ngọc Thảo vì mọi người đã quen với tên gọi này. Sau đó tôi mới xin phép đổi thành T.T.N.T.

Trước năm 2002, nắm bắt được tốc độ đô thị hóa nhanh, tôi trút vốn đầu tư nhiều khu nhà ở với quy mô nhỏ, nhắm vào nhóm khách hàng có thu nhập trung bình thấp và đã thành công. Thương hiệu Tạ Thị Ngọc Thảo cũng từ những cọ xát này mà được khẳng định. Nhưng từ năm 2002 đến nay tôi quyết định không trút tiền vào những dự án loại này nữa vì nhận ra sự lợi bất cập hại của chúng. May mắn thay, sự lựa chọn kịp thời đó đã giúp T.T.N.T. tránh được rủi ro khi thị trường địa ốc đóng băng.

- Hiện tại, T.T.N.T. đang làm gì?

- Hiện T.T.N.T. đang triển khai 5 dự án mới, trong đó có 2 dự án còn liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vì lý do bảo mật ý tưởng, tôi xin phép không trình bày sớm. Nhưng có thể nói rằng, những dự án này là loại hình kinh tế nhân văn, hàm lượng chất xám cao và yếu tố lợi nhuận không còn là yếu tố hàng đầu.

Ba dự án còn lại là loại dự án kinh doanh từ ý tưởng, hàm chứa nhiều tính sáng tạo, táo bạo, đương nhiên cũng hứa hẹn nhiều rủi ro và thách thức nhưng rất thú vị. Tôi bị một áp lực là từ bây giờ làm bất cứ điều gì cũng phải chú trọng khuếch trương thương hiệu, không được phép “nhỏ” đi với những gì mình đã dày công xây dựng. Vì vậy, bất kỳ dự án nào cũng rất cần nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng trước khi tung ra thị trường.

Thật lòng, hiện tại tôi quan tâm đến những dự án có thể không đem đến lợi nhuận lớn nhưng góp phần tạo công ăn việc làm, tạo sản phẩm mới, tạo điều kiện cho đội ngũ kế thừa trải nghiệm hoặc có lợi cho cộng đồng. Tôi gọi những dự án như thế là “sự lãng mạn trong kinh doanh”. Tôi xem đó như một sự đáp nghĩa, một đóng góp vào xã hội đã nuôi dưỡng mình.

- Chị có thấy trở ngại gì không khi thương hiệu cá nhân nổi tiếng hơn thương hiệu công ty?

- Quả thật cũng có nhiều điều không ổn. Đội ngũ kế thừa luôn bị áp lực phải vượt khỏi cái bóng của người đi trước, không dám mạnh dạn nói ngược ý kiến của người đi trước. Trong khi đó tôi luôn muốn cộng sự trẻ của tôi phải có tinh thần dám nghĩ khác, làm khác để tạo ra bản lĩnh của thế hệ kế thừa. Tôi khắc phục tình trạng này bằng cách lẫn vào đàn em của mình. Hiện nay, trong giao dịch với khách hàng, hãn hữu lắm tôi mới trực tiếp tham gia, còn thì đội ngũ kế thừa hoàn toàn chủ động giải quyết mọi việc.

- Dường như những bài báo góp phần không nhỏ để “thương hiệu”Tạ Thị Ngọc Thảo đi xa hơn và chúng cũng tạo ra những tác động xã hội nhất định?

- Từ những bài “không giống ai” viết về kinh tế, kinh doanh, các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã nhận ra sự chân thành của người viết nên sử dụng như một tư liệu nghiên cứu nhằm giúp chính sách đi vào cuộc sống hơn. Một số bài viết khác được một vài trường đại học sử dụng làm tài liệu cho sinh viên đọc thêm. Cũng từ những bài báo này, những vị lãnh đạo Nhà nước đã lưu tâm, nên đã mời tôi tham gia góp ý một số vấn đề thuộc sở trường của tôi.

- Chị cũng thường được mời nói chuyện với sinh viên. Điều gì ở họ mà chị ấn tượng nhất?

- Đề tài tôi thường được mời nói là những vấn đề xoay quanh chuyện quy hoạch – phát triển đô thị và những điều cần được trang bị trước khi trở thành một doanh nhân (Entrepreneur). Tôi thú vị khi phát hiện tinh thần kinh doanh (Entrepreneurship) của các bạn sinh viên rất cao, kể cả các bạn sinh viên được đào tạo để trở thành kỹ sư của Trường Đại học Bách khoa hay Đại học Thủy sản. Nhiều em sau buổi nói chuyện liền Email hỏi ý kiến tôi. Có ngày tôi phải trả lời hơn 30 Email của các bạn trẻ. Có những câu hỏi tôi không đủ trải nghiệm để trả lời thì tôi nhờ các thầy của tôi giúp. Tôi vui với những việc nho nhỏ như thế và thấy cuộc sống của mình có giá trị hơn.

- Sự thành công của chị hôm nay có chút gì liên quan đến cái biệt danh “Út keo”?

- Giai đoạn đầu khởi nghiệp tôi tuân thủ nguyên tắc: “Năng nhặt chặt bị”. Tôi không từ bất kỳ cơ hội nhỏ nhất nào, bất kể ngày đêm, mưa nắng để có đồng lời, miễn là đồng lời chính đáng. Có lần, tôi giúp một khách hàng thu được 1 tỷ đồng lợi nhuận. Xong việc, bà ta rút tờ 20.000 đồng bồi dưỡng tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nhưng rồi tôi trấn tĩnh được ngay: Tôi nhận tờ 20.000 đồng bằng hai tay và nói lời cảm ơn.

Tôi quyết tâm phải làm giàu từ những tích cóp như thế, dù từ số tiền rất nhỏ 10.000 đồng hay 20.000 đồng. Tất cả thời gian và tâm tư của tôi vào thời điểm ấy đều dành vào chuyện kiếm được nhiều tiền và kiếm nhanh nhất. Rồi sự cố gắng mãnh liệt cũng đem lại kết quả: Tôi vượt qua giai đoạn “khởi đầu nan” và trụ lại được ở thương trường.

- Ẩn sau sự sắc sảo của Tạ Thị Ngọc Thảo là gì?

- Sau khi đọc các bài báo của tôi, nhiều người hình dung tôi là người có vóc người to lớn, ăn nói cũng to lớn và đi đứng thì mạnh bạo… nhưng khi gặp lại rất bất ngờ vì thấy ở tôi cái gì cũng chậm rãi, đi chậm, nói chậm, ăn chậm, thao tác cũng chậm; chẳng những thế đôi khi còn nhỏ nhẹ, mong manh nữa (cười). Nhưng hoạt động trong thị trường bất động sản, một thị trường nhiều bất định, rủi ro lại khắc nghiệt với phụ nữ nên tôi phải biết tìm cách tự che chắn mình. Tuy vậy, tôi cũng biết, nếu được sống một hoàn cảnh thuận lợi hơn thì chưa chắc tôi đã trưởng thành như hiện nay.

Như mọi người chín chắn khác, Tạ Thị Ngọc Thảo ít nói về chính mình. Song những việc chị làm, những bài báo, những truyện chị viết - dù là một đề tài kinh tế hay là một tản mạn rất ngắn, tất cả đều có một sự tinh tế khác thường và thấu hiểu tình người. Cũng không có gì là quá nếu nói rằng có thể tìm thấy ở doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo nhiều tố chất văn nhân.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục