“Nhật ký Đặng Thùy Trâm”lên phim

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm”lên phim

“Đừng đốt, bên trong đã có lửa”, kịch bản (KB) chuyển thể từ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” , đang trong giai đoạn hoàn chỉnh KB phân cảnh và sẽ bấm máy vào đầu năm tới. Bộ phim do NSND Đặng Nhật Minh viết KB kiêm đạo diễn được Nhà nước đặt hàng với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, Hãng phim Hodafilm của Hội Điện ảnh VN sản xuất và dự kiến ra mắt trong năm 2007.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm”lên phim ảnh 1
Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ngãi.

Sau khi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” phát hành chỉ mấy hôm, đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đầu tiên tìm đến gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để đặt vấn đề làm phim về chị Trâm. Ông đã dành khá nhiều thời gian để thu thập tư liệu và gặp gỡ hầu hết những người thân trong gia đình liệt sĩ…

Gần đây nhất, ông cùng các đồng nghiệp tìm về Đức Phổ - Quảng Ngãi. Họ đã gặp những người cùng chiến đấu với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, thăm lại nơi chị hy sinh cách đây 35 năm để nghe những câu chuyện cảm động về chị… Mặc dù dấu vết xưa không còn nhiều nhưng các nhà làm phim hy vọng sẽ cân nhắc để khôi phục lại bối cảnh bệnh viện trên chính mảnh đất này một cách hợp lý.

Trong quá trình hoàn chỉnh KB, đạo diễn thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình chị Trâm để tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa. Chị Kim Trâm - em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - cho biết: “KB khá trung thành với cuốn nhật ký và những tư liệu gia đình cung cấp, hầu như không có những chi tiết hư cấu, từ việc mẹ tôi và anh rể (chồng chị Phương Trâm) ngay sau ngày Giải phóng đã vào Đức Phổ, được anh Chu (nay là Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ngãi) đưa lên núi, đến nơi chị Trâm ngã xuống để nhận biết mộ chị; rồi cuộc sống gia đình tôi những năm chiến tranh, lúc gia đình nhận được tin chị Thùy (gia đình thường gọi chị Trâm bằng tên lót vì ba chị em gái đều tên Trâm- PV) hy sinh, cho đến khi phóng viên ảnh Ted Engelnmen tìm đến gia đình đưa cho tôi chiếc đĩa CD ghi lại toàn bộ cuốn nhật ký và những chuyện diễn ra sau đó. Người viết KB đã chọn lọc những chi tiết và câu chuyện phù hợp chứ không ôm đồm”.

Được biết, ngoài các nhân vật được miêu tả trong cuốn nhật ký, KB còn khắc họa hình ảnh anh Nguyễn Trung Hiếu (trong KB là Nguyễn Trung Huân), người đã cùng anh lính Mỹ Fred phát hiện và cứu cuốn nhật ký khỏi bị đốt và anh Phạm Văn Đức, người phiên dịch của ngụy quân, thông qua những câu chuyện của Fred.

“Đây là bộ phim khẳng định cái đẹp, cái cao cả trong mỗi con người. Chúng tôi cố gắng huy động tối đa các phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ điện ảnh để đem đến cho người xem những cảm xúc khác với khi đọc cuốn nhật ký”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

HOÀNG GIANG

Tin cùng chuyên mục