Phó Chủ tịch cao cấp của IBM Nicholas (Nick) Donofrio:

“Việt Nam đủ sức đứng đầu khu vực về sáng tạo”

“Việt Nam đủ sức đứng đầu khu vực về sáng tạo”

Hội nghị quốc gia về thúc đẩy sáng tạo cho Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Bưu chính- Viễn thông Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Tham gia hội nghị có Phó Chủ tịch cao cấp của IBM - ông Nicholas (Nick) Donofrio- nhân vật số 2 của IBM và là một trong những nhân vật có uy tín và ảnh hưởng lớn trong ngành CNTT thế giới. Nhân dịp này, Tuần san SGGP Thứ Bảy đã có cuộc trao đổi với ông Nicholas (Nick) Donofrio về sự đổi mới và sáng tạo cũng như định hướng chiến lược đầu tư, phát triển lâu dài của IBM tại Việt Nam.

“Việt Nam đủ sức đứng đầu khu vực về sáng tạo” ảnh 1

- Ông đánh giá tiềm năng phát triển của Việt Nam như thế nào trong lần thứ 2 ghé Việt Nam kể từ năm 1994, thưa ông? 

- Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn với lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ, đặc biệt là ham hiểu biết và có niềm say mê. Sự quan tâm thống nhất giữa Chính phủ, báo chí và người dân về những cơ hội có thể đến với Việt Nam cho thấy các bạn thật sự sẵn sàng cho những thay đổi và làm mới mình khi gia nhập sân chơi toàn cầu WTO.

- Tại sao IBM lại chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị về thúc đẩy sáng tạo?

- Hội nghị lần này là sáng kiến của IBM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo gợi ý của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhân dịp Việt Nam là chủ nhà của APEC năm 2006. Thời gian gần đây, Việt Nam đã có nhiều chương trình tôn vinh và khuyến khích những điển hình sáng tạo. Chuyện Chính phủ các bạn thông qua việc tổ chức Hội nghị cấp cao về Sáng tạo lần đầu tiên tại Việt Nam là một điều đáng mừng, đáng hoan nghênh. Với dân số trẻ, trình độ học vấn tốt, kỹ năng cơ bản, vị trí địa lý chiến lược, cộng thêm một khung chính sách hoàn chỉnh, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để đi đầu về sáng tạo trong khu vực.

- Sự sáng tạo và đổi mới đóng vai trò thế nào trong việc cạnh tranh trong nền kinh tế quốc tế?

- Sáng tạo luôn giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định sức cạnh tranh và sự tăng trưởng kinh tế cho một quốc gia. Những quốc gia có ưu thế về sáng tạo sẽ nắm bắt được những cơ hội để tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng xuất khẩu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trước sự bùng nổ thông tin và những thay đổi liên tục trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, đã đến lúc Việt Nam cần có một khung chính sách hoàn chỉnh về khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo và những quyền lợi cụ thể cho những cá nhân, tập thể sáng tạo.

- Thời gian qua, IBM đã có những hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa như chương trình Nhà thám hiểm trẻ Kidsmart trong ngành giáo dục mầm non. Vậy sắp tới, IBM sẽ có những chương trình cộng đồng nào nữa?

- Tính đến tháng 8 năm 2006, IBM đã tài trợ sản phẩm và chương trình Kidsmart cho gần hơn 150 trường mầm non trên khắp Việt Nam. Chúng tôi luôn muốn đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng tại Việt Nam. Chúng tôi đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để thảo luận về sự hỗ trợ của IBM với Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống giáo dục và trong cuộc chiến chống đại dịch cúm gia cầm.

- Xin ông cho biết chiến lược phát triển của IBM tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

- Trong gần trăm năm có mặt trên thế giới, IBM đã có mặt ở Việt nam từ năm 1938, nên IBM đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Do đó,  IBM sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển những lợi thế của chúng tôi, xây dựng năng lực và kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, bám trụ thị trường, cam kết mang đến cho khách hàng những dự án chất lượng cao, lắng nghe và xây dựng hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam, củng cố và tăng cường quan hệ với các nhà lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn ủng hộ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hạnh Long (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục