Chào mừng 61 năm Quốc khánh 2-9 (1945 - 2006)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp và thực thi pháp luật

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp và thực thi pháp luật
  • Quan niệm về lập pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chủ trương đề cao việc coi trọng quản lý Nhà nước bằng công cụ pháp luật. Từ những năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca” có 8 điều thì có một điều (Điều 7)Người viết:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp và thực thi pháp luật ảnh 1
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước ngày 6-1-1946.

Hiến pháp là “luật mẹ”, từ đấy là cơ sở để xây dựng hàng loạt hệ thống luật pháp và từ đấy hình thành một Nhà nước hợp hiến thông qua tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, cơ quan lập pháp duy nhất. Hiến pháp 1946 do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo thể hiện ý tưởng, quyết tâm của Người là xây dựng một “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946).

Trước khi có Hiến pháp, Người quan niệm một xã hội không thể sống một ngày không có pháp luật, cho nên Người đã ký Sắc lệnh giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do. Đồng thời, Người ký một loạt sắc lệnh cấp bách: Sắc lệnh bảo đảm tự do cá nhân, Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, Sắc lệnh tổ chức Tòa án độc lập với Hành chính… Đó là nền tảng trước mắt và lâu dài cho một Nhà nước pháp quyền.

Triết lý về “thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được coi là triết lý lập pháp của Việt Nam hiện nay. Thần linh ở đây chẳng qua là luật tự nhiên. Lập pháp trong khung cảnh pháp quyền cần phải được chỉ dẫn bởi những tinh túy của tư duy pháp luật tự nhiên.

Lập pháp là một loại hoạt động tác động lớn đến xã hội vì ấn định những quy tắc phổ quát cho toàn xã hội nên cần phải có triết lý. Lập pháp của Việt Nam đang được dẫn đường bởi triết lý nào? Triết lý về nhà nước pháp quyền đang được coi là nền tảng lý thuyết cho sự vận hành của quyền lực công ở nước ta. Tuy nhiên, những sự lý giải cụ thể về triết lý này trong từng lĩnh vực của quyền lực nói chung và quyền lập pháp nói riêng của nhà nước ta hiện nay còn khá khiêm tốn, còn phải phấn đấu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mới đạt được những chuẩn mực mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để ước nguyện của dân được phản ánh trong luật thì cả xã hội phải tham gia vào việc làm luật. Hiến pháp ấn định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Điều này không đồng nghĩa với việc Quốc hội là cơ quan duy nhất làm luật. Tư duy pháp luật tự nhiên đòi hỏi phải hiểu lập pháp chỉ là một thủ tục xác định những quy tắc phổ quát, tự nhiên của xã hội chứ không phải là một quyền sinh ra quy tắc.

Những quy tắc tự nhiên của xã hội được phát ngôn từ các chủ thể trong xã hội mà Quốc hội chỉ là người đại diện toàn dân bằng quyền lập pháp do toàn dân trao cho xác nhận các quy tắc đó. Tuy nhiên, để Quốc hội xác nhận đúng tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của toàn dân không phải là một việc đơn giản. Vì thế rất cần phát triển định chế phản biện xã hội của mọi tầng lớp, mọi giới trong xã hội. Phải thật sự cầu thị, tiếp thu những hạt nhân hợp lý từ phản biện xã hội.

Trước hết phải thật sự lắng nghe tiếng nói của dân. Quốc hội phải thực hiện dân chủ theo lời dạy giản dị nhưng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong hồi ký “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu: Dân chủ thật ra có nghĩa là: “Để cho dân được mở miệng”. Quốc hội phải để cho dân được nói và phải nghe, tiếp thu thực sự tiếng nói của dân thì luật Quốc hội mới chuyển tải được tâm nguyện của dân. Để “dân được mở miệng”, cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri các đại biểu dân cử cũng như khi lấy ý kiến nhân dân trong việc làm luật của Quốc hội.

  • Quan niệm về thực thi pháp luật

Nói về thực thi pháp luật, Người đòi hỏi tất cả mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành pháp luật, không ai được đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Người đã ban hành Quốc lệnh ngày 26-1-1946. Trong Quốc lệnh này, gồm 10 điều khen thưởng và 10 điều phạt, kể cả hình phạt xử tử. Trong thực tế, Người đã cho thi hành những án nghiêm khắc nhất ngay cả những cán bộ, đảng viên vi phạm. Nhưng tư tưởng pháp trị  lại thống nhất rất biện chứng với tư tưởng đức trị.

Người chủ trương dùng biện pháp “giáo dục” và “cảm hóa”. Người nói “không dùng xử phạt là không đúng” song “chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”. Dù sử dụng pháp luật hay giáo dục cảm hóa cũng đều nhằm mục đích đạt đến sự bình đẳng, mà cái gốc của sự bình đẳng là phải giải quyết lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng hài hòa, phù hợp và thuận chiều. Cái vượt trội của tư tưởng Hồ Chí Minh ở chỗ không chỉ dùng duy nhất công cụ pháp luật để điều hành Nhà nước mà còn biết dùng sức mạnh tổng hợp của các biện pháp cách mạng, các biện pháp vận động quần chúng, không chỉ dùng duy nhất bộ máy chính quyền mà còn biết sử dụng các định chế khác, các đoàn thể, các tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị.   
    
“Tất cả các tổ chức và cá nhân sống, làm việc theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật” là điều kiện tiên quyết để bảo đảm dân chủ.

Trong suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn gắn liền dân chủ với pháp luật, Người nói rằng: “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”. Nhà nước nào thực hiện đầy đủ dân chủ tức là thực hiện 3 quyền cho công dân: quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền xã hội.

Khi nghiên cứu về “thuật trị nước” của Đông và Tây, chúng ta nhận thấy cùng có hai quan niệm rất trái ngược nhau: Vương đạo  (hay còn gọi là Nhân trị) và Bá đạo (hay còn gọi là Pháp trị).
Ở phương Tây, Platon (427-347 trước Công nguyên) là người chủ xướng dùng đạo đức để cai trị. Trái lại Machiavel (1469-1527) chủ xướng: để cai trị có thể dùng những biện pháp quỷ quyệt, dã man…

Ở phương Đông, Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) chủ trương lấy đạo nhân làm gốc, lấy hiếu, để, lễ, nhạc làm nội dung cơ bản để giáo dục con người. Ông chủ trương tu thân để trị quốc. Ngược lại, Hàn Phi (280-233 trước Công nguyên) chủ trương trọng pháp, trọng thế, trọng thuật để cai trị.

Thật ra, việc dùng các khái niệm, các khuôn mẫu có sẵn để xem tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều hành Nhà nước dùng “nhân trị” hay “pháp trị” là không hoàn chỉnh vì tư tưởng Hồ Chí Minh vượt ra các khuôn mẫu đã có. Người chủ trương người lãnh đạo phải có đạo đức, phải tu dưỡng thường xuyên các đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, lấy mục đích cao cả phục vụ nhân dân làm mục đích phấn đấu…

Người yêu cầu: “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”. Người chủ trương dùng giáo dục và cảm hóa, Người cho rằng: “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Tuy vậy, khi cần thiết, Người rất nghiêm và chủ trương dùng hình phạt, “không dùng xử phạt là không đúng”.
    
Vào những ngày tháng 9 lịch sử này, nhớ lại và suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong tư tưởng chỉ đạo về lập pháp và thực thi pháp luật là một việc làm hết sức cần thiết.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục