10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới

1- Thị trường chứng khoán New York (New York Stock Exchange – NYSE)

Thị trường chứng khoán được xét là lớn không chỉ ở mức độ vốn giao dịch mà còn ở tính liên kết toàn cầu. Đó là những thị trường có niêm yết cổ phiếu công ty nước ngoài và sự giao dịch của nó liên thông với trục tài chính toàn cầu. Mỗi khi nó “vặn mình”, cơ thể tài chính toàn cầu cũng chuyển động theo...

1- Thị trường chứng khoán New York (New York Stock Exchange – NYSE)

Không thị trường chứng khoán nào có thể so với NYSE với số vốn giao dịch lên đến 15,4 ngàn tỷ USD (ở thời điểm ngày 30-9-2006, NYSE có nguồn vốn lên đến 23 ngàn tỷ USD!). NYSE được vận hành từ NYSE Group (hình thành từ sự sáp nhập với thị trường chứng khoán điện tử Archipelago Holdings). Sàn giao dịch NYSE đặt tại số 11 Wall Street với 5 phòng lớn. NYSE là điểm quần tụ các nhà phân tích tài chính, đầu tư chứng khoán và chuyên gia kinh tế.

Nhịp thở NYSE có ảnh hưởng dây chuyền. Giới mua bán chứng khoán London vẫn có thói quen “chờ New York mở cửa” trước khi họ tiến hành giao dịch. Tầm quan trọng NYSE còn được miêu tả trong nhiều quyển sách, như Bonfire of the vanities (Lửa phù hoa) hay Liars’ poker (Quân bài của những kẻ dối trá); cũng như trong nhiều bộ phim. Các vụ mua bán cổ phiếu mà gần 1/2 hộ dân Mỹ đầu tư đều tiến hành một phần qua NYSE. Mỗi ngày trị giá lượng chứng khoán giao dịch tại NYSE trung bình 1,22 tỷ USD (khoảng 45 tỷ USD qui ra tiền mặt).

NYSE tê liệt cũng có nghĩa cái trục mà các thị trường tài chính toàn cầu quay quanh cũng bị gãy. Từ năm 1885, NYSE vài lần đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau. Lần cuối cùng NYSE đóng cửa trong hai ngày là 15-8 và 16-8-1945 để mừng chiến thắng phát xít và mừng đòn trả thù sau thảm họa Trân Châu Cảng. NYSE ngưng hoạt động một ngày rưỡi khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Thời tiết xấu cũng khiến NYSE tạm nghỉ, như lần vào ngày 10-2-1969 khi thành phố chìm trong tuyết. Trong vụ khủng bố 11-9-2001, NYSE đóng cửa 6 ngày (mở lại vào sáng thứ hai 17-9-2001).

2- Thị trường chứng khoán Tokyo (TSE)

Hiện niêm yết 2.271 công ty nội địa và 31 công ty nước ngoài với vốn tổng cộng 4,6 ngàn tỷ USD, TSE hoạt động từ 9g-11g sáng và 12g30-3g chiều. Cổ phiếu niêm yết tại TSE được chia thành ba loại. Loại một cho các công ty khổng lồ; loại hai cho các công ty vừa và loại ba cho các công ty mới thành lập có tốc độ phát triển nhanh. Tính đến tháng 3-2006, có 1.721 công ty ở loại một; 489 công ty ở loại hai và 156 công ty ở loại ba.

3- Thị trường chứng khoán NASDAQ

Viết tắt từ National Association of Securities Dealers Automated Quotations, NASDAQ là thị trường chứng khoán không có sàn giao dịch lớn nhất thế giới, với số vốn 3,9 ngàn tỷ USD. NASDAQ cho phép người giao dịch tiến hành hoạt động mua bán cổ phiếu thông qua hệ thống Mạng viễn thông điện tử (Electronic Communication Networks).

4- Thị trường chứng khoán London (LSE)

Đây là một trong những thị trường chứng khoán lâu đời nhất thế giới (thành lập năm 1801). Tổng nguồn vốn LSE hiện tại khoảng 3,8 ngàn tỷ USD. Tháng 12-2005, LSE bác bỏ đề nghị bán lại cho Ngân hàng Macquarie với giá 1,6 tỷ bảng và tiếp tục bác bỏ đề nghị tương tự từ NASDAQ với giá 2,4 tỷ bảng.

5- Thị trường chứng khoán Liên minh châu Âu (Euronext)

Đặt trụ sở chính tại Paris với các chi nhánh ở Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh, Euronext có nguồn vốn khoảng 3,7 ngàn tỷ USD. Euronext đang sắp rơi vào tay Mỹ, khi họ chuẩn bị sáp nhập với NYSE Group để tạo ra NYSE Euronext – trở thành thị trường chứng khoán toàn cầu đầu tiên thế giới (NYSE Group mua Euronext với giá 8 tỷ euro, tức khoảng 10, 2 tỷ USD).

6- Thị trường chứng khoán Hong Kong (1,71 ngàn tỷ USD)

7- Thị trường chứng khoán Toronto (1,7 ngàn tỷ USD)

8- Thị trường chứng khoán Frankfurt (1,64 ngàn tỷ USD)

9- Thị trường chứng khoán Madrid (1,32 ngàn tỷ USD)

10- Thị trường chứng khoán Thụy Sĩ (SWX Swiss Exchange; 1,21 ngàn tỷ USD).

Anh Vũ

Tin cùng chuyên mục