PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đô thị và Cộng đồng TPHCM:

“Phải có luật đô thị”

Nguyễn Tấn Việt
“Phải có luật đô thị”

“Phải có luật đô thị” ảnh 1

LTS: Trong số 833 (ra ngày 24-3-2007), Tuần san SGGP Thứ Bảy đã đăng chuyên đề: Nếp sống “hồn nhiên” trong lòng đô thị ở TPHCM. Sau khi báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi với những góc nhìn khác nhau, từ nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hóa đến du khách nước ngoài, Việt kiều... Chúng tôi xin chọn giới thiệu một số ý kiến mang tính xây dựng nhằm góp phần tìm ra giải pháp khắc phục thực trạng này, để thành phố chúng ta ngày càng văn minh hơn, đẹp hơn.

Trước thực trạng văn minh đô thị ở TPHCM ngày càng suy giảm, PGS-TS xã hội học Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đô thị và Cộng đồng TPHCM - đưa ra những ý kiến đánh giá và giải pháp khắc phục. Quan điểm mang tính gợi mở để bạn đọc có thể trao đổi, chia sẻ ý kiến.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng nếp sống văn minh đô thị của cư dân TPHCM hiện nay?

Cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, TPHCM là một đô thị đang trong thời kỳ quá độ từ một xã hội nông nghiệp lên xã hội tiền công nghiệp. Cái mới đang được hình thành, cái cũ vẫn tồn tại và chúng đan xen nhau. Trong sự đan xen này, có những cái cũ đang mạnh hơn cái mới. Đại bộ phận người dân TPHCM hiện nay đều có gốc nông dân nên họ mang theo “hành trang” văn hóa nông thôn vào đô thị. Tính cách dễ nhận thấy nhất đó là sự tùy tiện. Bên cạnh đó, do chúng ta chưa có luật đô thị bắt buộc cư dân đi vào khuôn khổ nên sự tùy tiện và cái tôi cứ tồn tại.

“Phải có luật đô thị” ảnh 2

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa

- Nói như thế không lẽ chúng ta đành chấp nhận lối sống thiếu văn minh?

Không riêng gì ở Việt Nam, nhiều nước đang phát triển trên thế giới cũng gặp trường hợp “quá độ” này. Chúng tôi nghiên cứu thấy rằng, bất cứ một thành phố nào cũng phải trải qua sự quá độ ấy kéo dài trong thời gian ít nhất là 20 năm. Ở châu Âu, để có được lối sống văn minh công nghiệp như hiện nay, họ phải trải qua hơn 300 năm. Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ít nhất phải qua từ 2 – 3 thế hệ nữa (1 thế hệ 15 năm) thì mới có được những thế hệ công dân văn minh. Tuy nhiên, để công dân đô thị hình thành nếp sống văn minh sớm hơn hay kéo dài còn tùy thuộc vào cách chúng ta thực hiện những tiêu chí về văn minh đô thị.

- Vậy, theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Như đã nói ở trên, ngoài điều kiện về thời gian, giải pháp cho vấn đề này cần phải có những điều kiện đi kèm. Ở một số quốc gia trên thế giới, tiêu chí để được gọi là đô thị văn minh là ít nhất GDP đầu người phải đạt 2.000 USD/năm. Ngoài ra, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của người dân ví dụ giao thông tốt thì sẽ hạn chế được hành vi vi phạm giao thông. Đặc biệt, cần phải ban hành luật đô thị. Luật phải hoàn thiện và chi tiết để từ đó bắt buộc người dân đô thị và người dân từ các vùng khác đến, kể cả người nước ngoài, phải tuân theo. Hiện nay, một số thành phố lớn ở Việt Nam đều có những quy định về văn minh đô thị nhưng đó không phải là luật và không đủ mạnh để răn đe.

- Trung tâm của ông đã có những cuộc nghiên cứu gì về văn minh đô thị và ông thấy vấn đề cốt lõi nhất là gì, thưa ông?

Trung tâm chúng tôi đã làm một số công trình nghiên cứu về văn minh đô thị như: Tiến trình đô thị hóa TPHCM, trật tự đô thị, tính đa dạng văn hóa ở TPHCM… Tuy nhiên, chúng tôi tiến hành công việc chỉ với tư cách là một trung tâm nghiên cứu nên tác động của nó cũng có hạn. Theo tôi, trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vấn đề giáo dục rất quan trọng. Chúng ta cần có những chương trình về văn minh đô thị để giáo dục bằng nhiều hình thức thông qua tivi, báo, đài, nhà trường… Bên cạnh đó, thái độ làm gương cũng là cách giáo dục tốt. Lãnh đạo làm gương cho nhân dân, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cha mẹ làm gương cho con cái, thầy làm gương cho trò… Phải hành động chứ không thể nói miệng. Có một câu chuyện về cách làm gương là ông Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore): một người bạn thân của ông Lý Quang Diệu nhổ một cây thông đem về nhà trồng, để làm gương cho mọi người, ông Lý Quang Diệu đã cách chức ông này.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Tấn Việt (thực hiện)

“Phải có luật đô thị” ảnh 3
“Phải có luật đô thị” ảnh 4
“Phải có luật đô thị” ảnh 5

Tin cùng chuyên mục