Sự trở về của “Văn hóa cá đồng”

Sự trở về của “Văn hóa cá đồng”

Năm 2006, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu nhận định: Cá đồng đã từng bước phát triển trở lại đáng phấn khởi. Riêng tôi thì có một góc nhìn khác. Nông dân Bạc Liêu đã bắt đầu chủ động về nguồn bằng cách khôi phục lại một ngành nghề truyền thống mà từ xưa đã góp phần không nhỏ trong khẩn hoang lập ấp vùng bán đảo Cà Mau và nó thể hiện nét “văn hóa cá đồng” một cách ngoạn mục mà nhiều vùng miền trong cả nước khó có được.

  • “Ổ” cá đồng Nam bộ

Trong mắt người Sài Gòn, “lục tỉnh” vào nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, tỉnh Bạc Liêu (tính luôn khu vực Cà Mau và một phần Kiên Giang) chẳng những được mệnh danh là tỉnh muối, tỉnh lúa mà còn là tỉnh cá. Thời đó, trẻ con Bạc Liêu ngạo nghễ ca rằng:

Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu,
Sài Gòn thấy vậy xỏ xâu đem về.

Sự trở về của “Văn hóa cá đồng” ảnh 1

Nướng trui cá đồng.
Ảnh: ĐÀO THỤY

Vì sao so với toàn cõi Nam kỳ, Bạc Liêu có vị thế số một về cá đồng? Đó là vì điều kiện tự nhiên - xã hội của vùng đất này. Đây là vùng đất khai phá muộn nhất Nam bộ, cho đến năm 1910, người Pháp bắt đầu công cuộc khai khẩn đất bằng việc đào một hệ thống thủy lợi vĩ đại nhất lúc bấy giờ nhưng từ đó đến cuối thế kỷ 20, đất Bạc Liêu vẫn còn nhiều vùng hoang hóa. Không nói đâu xa, khoảng năm 1965, đất hoang vẫn còn áp sát chợ Bạc Liêu. Đất hoang của Bạc Liêu xưa lại nổi tiếng là những vùng đất “cầm thủy” nên cá đồng cứ sinh sản tự nhiên. Còn điều kiện xã hội thì đất rộng người thưa, việc săn bắt cá để ăn không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cá đồng.

Đến Bạc Liêu, trước khi bắt tay vào sản xuất nông phẩm, người khẩn hoang phải dựa vào nguồn lợi có sẵn của thiên nhiên và việc khai thác cá đồng để làm kinh tế được tính toán sớm hơn cả việc lấy sáp ong, khai thác rừng tràm, rừng đước vì công việc khai thác thủy sản dễ làm nhất. Đất hoang mênh mông, cứ đào kênh bao ngạn và “nhấn” ở đó vài cái đìa, thậm chí không cần đào kênh, đợi đến khi gió chướng về, mưa dứt hạt, đồng bắt đầu khô thì cơ man nào là cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặc... rồi rùa, rắn, lươn cứ lũ lượt theo kênh, lung mà về đìa để trốn hạn, người nông dân cứ thế mà dùng gáo dài tát đìa bắt cá.

Nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, ở nông thôn, hầu như làng xóm nào cũng làm nghề đìa cá, có những gia đình khá giả có đến vài chục cái đìa. Nghề đìa cá vì thế mà hoạt động phong phú như một thứ văn hóa. Nó có cả những kinh nghiệm bí truyền bởi không phải đào đìa ở đâu cá cũng rút về vào mùa nước ngọt.

Thế cho nên vùng Bạc Liêu - Cà Mau xưa có những ông thần đìa, chuyên làm cái nghề định vị cho nông dân vị trí để đào đìa. Và nghề của họ có một dạo rất “ăn nên làm ra”, được người ta trọng thị như thầy nghề võ, thầy đờn ca tài tử. Họ đến nhà là cơm rượu ngày ba bữa, chủ nhà têm trầu mời dùng. Mấy ông thầy hành nghề thường vào ban đêm, sau khi gia chủ lập bàn hương án giữa sân, thần khấn vái xong, xõa tóc lặn một hơi xuống sông, giống như là để tiếp cận với hà bá và binh tôm tướng cá, sau đó nhìn trời, nhìn hướng gió, nhìn địa thế rồi chỉ cho gia chủ chỗ đào một khẩu đìa tốt.

Việc này ta không bàn góc độ mê tín nhưng thực tế mấy ông thầy đìa đã chỉ ra những khẩu đìa “êm”, giúp rạng danh nhiều gia đình, dòng họ. Cứ mùa gió chướng về là cá ùn ùn kéo vào đìa. Ban đêm nhà ai ở gần sẽ không sao ngủ được vì tiếng cá lóc táp bom bóp suốt đêm. Tát khẩu đìa ấy lên bán cho ghe thương hồ chở đi lục tỉnh hay về Sài Gòn đủ mua một căn nhà căm xe ba căn, hai chái.

Hồi đó, cá mắm nhiều, mỗi nhà có đến 5 - 7 khẩu đìa nên không thể tự làm nổi, nhiều xóm làng nông thôn phải đổi công nhau mà tát đìa. Mùa chụp đìa bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Trong bốn tháng ấy, làng xóm chộn rộn đông vui suốt ngày, đêm. Cánh đàn ông và trẻ con thì bắt cá khi đã tát cạn đìa hoặc đốt đèn măng-xông làm cá để nhận mắm. Rồi gia chủ đãi đằng và đàn ca hát xướng suốt đêm.

Hoạt động của nghề đìa cá ở Bạc Liêu chỉ là một phần nhỏ so với những hoạt động vô cùng phong phú, thiên hình vạn trạng của nghề khai thác cá đồng ở Bạc Liêu xưa. Đã là dân nông thôn thì không ai không nhớ đến mùa cắm câu, mùa bắt cá cạn, mùa giăng lưới, mùa làm hầm...

Chính nguồn lợi cá đồng đã thổi hồn cuộc sống phong phú lên đồng ruộng hoang vu và buồn hiu hắt. Những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực đến đây khẩn hoang, tâm hồn vốn héo hắt như một buổi chiều buồn gặp được một vùng đất có rất nhiều sản vật, cộng với sự sáng tạo của con người làm nên một cuộc đời sôi nổi, một nếp sống, nếp sinh hoạt đặc biệt của làng quê.

Và cũng chính thứ văn hóa nội sinh của đồng ruộng, gọi như các nhà thơ là hồn quê, đã sưởi ấm hồn người. Những người thừa hưởng cuộc sống ấy sáng ra bỗng thấy trời xanh bát ngát, ruộng đồng bao la giống như người mẹ đã sinh ra cá và một đời sống sôi nổi cho mình an cư. Và tự nhiên, tình yêu quê hương thấm hồi nào không biết.

  • Cá trở về đồng

Thế rồi cá đồng Bạc Liêu gặp ba cơn đại nạn lớn: Một là sự bùng nổ dân số kéo theo việc săn bắt vô tội vạ khiến cá sinh sản không kịp; hai là kỹ thuật phát triển hỗ trợ cho phương pháp trồng lúa nước là thâm canh tăng vụ, cộng với việc sử dụng các hóa chất độc hại đã hủy diệt cá và môi trường của cá; ba là phong trào nuôi tôm gần đây đã chuyển hệ sinh thái từ ngọt sang mặn trên một diện tích đất vô cùng rộng lớn đã làm mất đi môi trường sống của cá đồng. Thế nên, cá đồng Bạc Liêu không còn bao nhiêu nữa. Cá đồng mất đi kéo theo sự mất dần những sinh hoạt nghề cá và vì thế nét văn hóa nội sinh của đồng đất cũng bị nhạt nhòa.

Gần đây, việc cá đồng trở lại làm cho những người quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của nông thôn cảm thấy một tín hiệu vui. Tại xã Phước Long - nơi đang triển khai nhanh chóng việc nuôi cá đồng bằng mô hình sinh thái tự nhiên -người ta lại bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của mấy chục năm về trước.

Bà con đã bứng bỏ anưng bộp trồng trên ruộng; dưới kênh thì bông súng đồng, bông súng ma nở trắng; trên lung thì đọt hẹ, rau chóc... mọc đầy. Đất đai đã trở về đúng cái thuở hoang sơ của nó và họ đã nuôi cá lóc, cá rô, cá sặc... sinh thái trên những mảnh ruộng ấy. Chủ nhà bảo rằng: Ngoài việc thu lãi 50 triệu đồng/2ha đất/năm, họ còn thu hơn chục triệu tiền bẻ đọt hẹ, đọt năng và bông súng đồng đem bán. Thời buổi bây giờ người ta quay về nguồn và ăn rau sạch nên những loại này được giá lắm.

Cách đây vài chục năm, mùa đìa cá ở quê vui lắm. Khi gió chướng chớm mùa, cá về đìa, đám thanh niên làng bước vào những ngày tháng mà cho đến chót vót cuộc đời cũng thật khó quên. Nhà ai cũng có đìa trên đầu đất nên chiều đến, đám trai tơ, gái lứa ôm nóp, mùng lên thềm đìa để ngủ giữ đìa. Trong tiết trời của tháng cấn Bấc lành lạnh, trong ánh trăng quê trải vàng rực trên ngọn rạ vừa gặt, tâm hồn những người trẻ tuổi bỗng muốn yêu đương lạ lùng. Thường thì 5 - 7 đứa ngồi trên đống rơm đàn ca với cá lóc nướng trui và chai rượu đế...

Còn ở Tam Giác Phước Long - Hồng Dân, nơi đang triển khai nuôi 1.500ha cá đồng thì phát triển mô hình khác là cá xen canh với lúa. Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổng kết bình quân mô hình này thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Còn những người nông dân nơi đây thì tỏ vẻ phấn khởi, đây cũng là một cung cách của nghề cá truyền thống của xứ Bạc Liêu xưa, tận dụng mặt nước trong ruộng lúa để tăng thu nhập mà cá đồng còn góp phần vệ sinh đồng ruộng, diệt sâu rầy làm cho năng suất lúa tăng cao hơn.

Sự trở về của nghề cá đồng ngày nay còn được nông dân Bạc Liêu sáng tạo bằng việc tăng thêm chủng loại nuôi như cá chình, ba ba... với kết quả sản xuất thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Giờ đây cá đồng đã trở về, theo đó đời sống của văn hóa cá đồng cũng sẽ làm sôi động đồng ruộng, làm nên những mùa vui vốn đã từng có trên mảnh đất Bạc Liêu này.

PHAN TRUNG NGHĨA

Tin cùng chuyên mục