Kinh doanh thể thao: Hướng đi mới sau khi treo giày

Kinh doanh thể thao: Hướng đi mới sau khi treo giày
  • Nỗi lo tuổi nghề

Trừ một vài môn như billiards, cờ tướng..., tuổi thọ trung bình của nhiều môn thể thao chỉ ngoài 30 một chút. Mà dường như đã thành quy luật, nếu bạn muốn chơi thể thao giỏi thì thường phải “hy sinh” nhiều thứ, trong đó có chuyện học hành. Không dễ thuyết phục các bậc cha mẹ cho con mình nghỉ học để chơi thể thao nhưng một khi phát hiện trẻ chơi khá hơn học thì nhiều người đành liều cho con theo nghiệp “quần đùi, áo số”.

Thế nhưng, khi từ môi trường thể thao bước ra, nhiều vận động viên chỉ có hai bàn tay trắng, chẳng nghề ngỗng gì, gọi là “lỡ thầy, lỡ thợ”. Một số may mắn tìm được chỗ trú chân ngay trên chính đội thể thao mà mình vừa bước ra với công việc huấn luyện hay chuyên viên săn sóc. Số khác không may đành chọn nghề chỉ cần sức lực, mong kiếm sống qua ngày.

Kinh doanh thể thao: Hướng đi mới sau khi treo giày ảnh 1

Sau những ngày vinh quang là những lo toan cho nghề nghiệp tương lai (ảnh chỉ dùng minh họa).

Tôi mới gặp lại người bạn từng chơi bóng ở giải hạng nhất (hạng cao nhất làng bóng Việt Nam thập niên 80), anh mừng lắm vì có dịp ôn chuyện xưa, kể lại trận hòa 0-0 trước đàn anh Quảng Nam Đà Nẵng năm nào. Thế rồi, niềm vui qua mau, anh trở về với nỗi buồn vì công việc hiện tại. Từng một thời vang bóng nơi tỉnh nhà nhưng khi “treo giày” thì cũng là lúc những lời hứa “sẽ thu xếp việc làm”, “tìm giúp chỗ học nghề và xin giúp việc làm”... của nhiều người quen trước kia bỗng mọc cánh bay đi. Vác đơn xin việc đi khắp nơi, anh chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời gần như nhau: “Chúng tôi không thể nhận vì anh không có tay nghề, chưa được đào tạo qua nghiệp vụ”. Giờ đây, mỗi sáng anh đành ra góc đường chờ ai có việc kêu thì làm.

Còn cựu cầu thủ T.L, cũng từng khét tiếng trong làng bóng Sài Gòn, kể khi còn tung hoành, ngang dọc trên sân Thống Nhất, fan nữ hâm mộ anh cũng khá nhiều, cuối cùng anh chọn một cô có shop mỹ phẩm trên đường Lý Tự Trọng. Thế là bây giờ hàng ngày anh làm tài xế chở bà xã đi bán, rảnh rỗi thì uống café với bạn bè, đợi đến chiều tối thì “chở nàng về dinh”. Cuộc sống T.L thật nhàn hạ nhưng liệu có vui?

  • Đại học TDTT – Cánh cửa mở rộng

Đối với dân chơi thể thao chuyên nghiệp thì thành tích khi còn thi đấu rất ngắn ngủi và phía trước họ là một tương lai dài nhưng vô định vì không biết làm gì khi không còn thi đấu. Con đường mà nhiều người lựa chọn hiện nay là trước khi giải nghệ cố học để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT, rồi vào Trường Đại học TDTT như một cứu cánh.

Theo thống kê tạm thời thì hiện có đến hơn 65% vận động viên sau thi đấu chọn việc quay lại phục vụ ngành TDTT thông qua con đường đào tạo thành huấn luyện viên. Nếu học giỏi, hoặc đôi khi nhờ may mắn, thì làm HLV cấp cao, còn nếu không thì về quận, huyện, trường học làm hướng dẫn viên cho lớp vận động viên trẻ.

Một số người may mắn tìm được hướng đi vững vàng sau khi giải nghệ như cựu trung phong số 1 Việt Nam Lê Huỳnh Đức có được một chỗ trong Ban huấn luyện đội Đà Nẵng; cựu hậu vệ phải số 1 Việt Nam Trần Công Minh còn tiến xa hơn khi trở thành trợ lý cho HLV trưởng Alfred Riedl ở đội tuyển quốc gia; hay như kiện tướng Chung Tấn Phong nhờ điều kiện kinh tế khá giả, sau khi từ giã đường đua xanh, đã cố công học hành, nay trở thành tiến sĩ bơi lội đầu tiên và hiện là Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TPHCM. Song, những người như trên không nhiều.

  • Kinh doanh thể thao – Cũ người, mới ta

Vừa qua, trong lần trao đổi với Giám đốc Trung tâm Đào tạo Việt Nam Hợp Điểm, ông Trần Hữu Phúc Tiến, chúng tôi được biết hiện tại ở TPHCM đang rục rịch triển khai một chương trình đào tạo kinh doanh thể thao khá hay, được khởi sự từ một chuyên gia thể thao người Singapore, ông Ronnie Lee, Hiệu trưởng Trường Asia Pacific Sport Business School (Trường Kinh doanh Thể thao châu Á Thái Bình Dương).

Kinh doanh Thể thao không còn xa lạ với thế giới. Thậm chí tại Việt Nam, ngành này đang rất ăn nên làm ra, dù chỉ dừng lại ở mức đụng gì làm nấy, làm trước, học sau... Việc kinh doanh bài bản, khoa học, nhằm đạt lợi nhuận cao thì thể thao Việt Nam chưa hề đạt tới. Chính vì vậy, sự có mặt của ông Ronnie Lee vào đúng thời điểm này là cần thiết. Buổi nói chuyện tại Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn hôm chủ nhật 13-5 và buổi trao đổi dành cho các phóng viên thể thao, phóng viên kinh tế tại Hội Nhà báo hôm thứ tư 16-5 do ông tổ chức mới chỉ là bước khởi đầu.

Trong câu chuyện giữa ông và chúng tôi, đề án thành lập một trường hoặc tạm thời là một phân hiệu, chuyên giảng dạy về “Kinh doanh Thể thao” dành cho các nhà thể thao đã “rửa tay, gác kiếm” và các nhà quản lý các đội thể thao, đơn vị thể thao... bước đầu đã được vạch ra. Khi kinh doanh Thể thao trở thành một môn học ở Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng mở ra một cánh cửa mới, rộng hơn, lớn hơn cho các cựu vận động viên. Chúng ta sẽ bắt đầu làm quen với lĩnh vực từ tổ chức sự kiện đến vận động tài trợ một cách chuyên nghiệp hơn, sản xuất hàng hóa, thông tin báo chí, rồi bí quyết tạo ra lợi nhuận từ kinh doanh thể thao, cũng như vai trò của báo chí trong công việc “cũ người, mới ta” này. Điều đó tốt chứ sao!

LINH GIAO

Tin cùng chuyên mục