Sài Gòn – Củ Chi đất thép thành đồng

Sài Gòn – Củ Chi đất thép thành đồng

"Đoàn tàu SE5 đang đưa quý khách vào ga Sài Gòn, ga cuối cùng của chặng hành trình từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh, quý khách có vé xuống ga Sài Gòn hãy chuẩn bị tư trang hành lý đầy đủ để xuống ga…”, tiếng của phát thanh viên nhà ga khiến tôi thấy mình rạo rực. Vậy là hành trình từ Bắc vào Nam của tôi đã đến điểm cuối. Vừa đặt vali xuống đất tôi bắt gặp ngay nụ cười thân thiện và giọng nói đặc sệt miền Nam của một bác trong đội ngũ vận chuyển, bốc xếp hành lý, hàng hóa của nhà ga: “Chú để hành lý lên đây tui đẩy ra cho, chỉ mười ngàn một chuyến mà lại khỏe re à”. Tôi gật đầu đồng ý và cùng bác đi qua cửa soát vé. Ấn tượng lần đầu đặt chân đến Sài Gòn thật dễ chịu.

Sài Gòn – Củ Chi đất thép thành đồng ảnh 1
Du kích Củ Chi đón nhận cờ thưởng. Ảnh: T.L.

Phải nói rằng, đến thành phố Hồ Chí Minh là một điều nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi. Đang làm việc tại miền Bắc thì tôi có quyết định chuyển vào Đồng Nai công tác nhưng khi đi mua vé tàu, tôi lại mua vé xuống ga Sài Gòn bởi tôi muốn tận mắt chứng kiến “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào, có khác xa so với những gì sách báo, truyền hình và lời kể của những người đã từng đến Sài Gòn hay không? Sự tò mò và tính thích khám phá của tuổi trẻ đã níu chân tôi ở lại Sài Gòn một tuần trước khi về đơn vị công tác.

Thời gian ở lại không nhiều nhưng tôi được bạn bè dẫn đi tham quan, vui chơi nhiều nơi, nào là: Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, công viên văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên… nhưng có lẽ địa danh địa đạo Củ Chi một thời hùng tráng đã để lại cho tôi nhiều xúc cảm nhất về con người, về tinh thần cách mạng quật khởi của người Sài Gòn- Gia Định xưa.

Một căn cứ địa thu nhỏ được xây dựng tại cánh rừng tràm này đã đi vào lịch sử đánh giặc của người Việt Nam, là nơi tập trung trí- lực của quân và dân Sài Gòn – Gia Định nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Củ Chi được mệnh danh là đất thép thành đồng, nơi “ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp chiến sĩ”. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật, nhiều di tích của những con người đã sống và chiến đấu vì miền Nam thân yêu. Thời gian qua đi, mọi thứ có thể thay đổi nhưng những kỷ vật đó, những di tích tại địa đạo Củ Chi vẫn được bảo tồn, giữ gìn như minh chứng hùng hồn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và nhắc cho thế hệ trẻ biết rằng: “Để có được một Sài Gòn giàu mạnh như ngày nay một phần là nhờ có một địa đạo Củ Chi ngày xưa”.

Luồn mình vào những giao thông hào nhỏ hẹp mới thấy sự thông minh của những người đi trước; đứng trước những phòng họp trang nghiêm với lá cờ Tổ quốc, với những bản đồ chiến đấu mới thấy tự hào vô cùng trước sức chiến đấu của quân, dân ta và ấm áp biết dường nào trước những cái bếp Hoàng Cầm với những củ mì luộc còn nóng hổi.

Trong những ngày tháng bảy này, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ, chuyến đến thăm địa đạo Củ Chi đối với tôi có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó giúp tôi có thêm nghị lực để phấn đấu học tập, công tác và sống xứng đáng. Tôi đã trở về Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) để công tác nhưng tôi sẽ trở lại Sài Gòn một ngày gần nhất, lúc đó tôi sẽ đưa những học trò mình đến thăm Củ Chi.

NGUYỄN VĂN CƯƠNG
(Giảng viên Khoa Lý luận, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Long Thành, Đồng Nai)

Tin cùng chuyên mục