60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7

Xã Phạm Văn Hai: Tìm về địa chỉ đỏ

Nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức cách mạng trong cán bộ, nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, về công cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân, ghi nhớ công lao lớp người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hàng năm cứ đến dịp lễ Tết, lãnh đạo xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, lại tổ chức phong trào “Tìm về địa chỉ đỏ”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2007) năm nay, Đảng ủy xã Phạm Văn Hai tổ chức đoàn đi thăm gia đình thương binh nặng, dự lễ mít tinh ôn lại truyền thống cách mạng, họp mặt gia đình thuộc diện chính sách để tặng quà, đưa rước thân nhân liệt sĩ viếng thăm Nghĩa trang Bình Chánh, tổ chức đoàn viếng thăm và tặng quà cho gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hai.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Phạm Văn Hai hiện có 31 gia đình liệt sĩ, 29 thương binh, 21 gia đình có công với cách mạng, 60 cán bộ hưu trí. Đây là những đối tượng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, nhân dân xã Phạm Văn Hai và các mạnh thường quân ở khắp nơi.

Thực hiện quản lý các đối tượng chính sách theo Nghị định 28/CP, xã đã tiến hành trợ cấp một lần cho 11 thân nhân; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho 4 vợ liệt sĩ tái giá; thực hiện chế độ trợ cấp theo Thông tư 04/BTC-BLĐTBXH cho 25 thương bệnh binh; 36 người phục vụ thương bệnh binh nặng; 1 quân nhân bị tai nạn lao động. Riêng 7 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày cũng được trợ cấp một lần với tổng số tiền là 10.500.000 đồng; 4 cán bộ bị tù đày được tặng kỷ niệm chương; 23 cán bộ tham gia kháng chiến trong 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ được khen thưởng huân chương cũng được trợ cấp một lần.

Trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, cứ vào dịp lễ, Tết, UBND xã lại tích cực vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các hộ dân ủng hộ vật chất để chăm lo cho các gia đình chính sách, đặc biệt với những gia đình chính sách khó khăn. Nhờ vậy mà không có hộ chính sách nào bị thiếu thốn.

Lãnh đạo xã Phạm Văn Hai còn xác định việc chăm lo chỗ ở cho các hộ chính sách là tiêu chí hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó những năm qua xã đã tích cực vận động nhân dân và các đơn vị tài trợ sửa chữa được 10 căn nhà và xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa; đồng thời tổ chức đưa đón 42 đối tượng chính sách đi điều dưỡng tập trung; lập danh sách đề nghị huyện hỗ trợ điều dưỡng tại nhà cho thương binh 1/4, thân nhân liệt sĩ neo đơn, cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ bị tù đày nhiều năm bị bệnh với 600.000 đồng/suất.

Thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, các năm qua xã đã xác nhận 15 hồ sơ con gia đình chính sách để miễn giảm học phí và trợ cấp ưu đãi học tập. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở xã Phạm Văn Hai những năm qua luôn đạt chỉ tiêu của huyện giao.

HOÀNG THỊNH

Xã Bà Điểm: Nỗ lực đền ơn đáp nghĩa

Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, địa phương được Đảng và Nhà nước công nhận là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trải qua 2 cuộc kháng chiến có 512 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trong nhiều năm qua xã Bà Điểm luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Hiện nay xã đang quản lý và thực hiện chế độ chăm lo cho 596 hộ thuộc diện chính sách, trong đó có 448 hộ liệt sĩ, 18 mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH - hiện 5 mẹ còn sống), 75 hộ thương bệnh binh, 73 hộ có công với cách mạng, cùng nhiều diện khác như người hoạt động kháng chiến, bộ đội về hưu, viên chức hưu trí, viên chức mất sức, cán bộ bị bắt tù đày. Đặc biệt là 5 mẹ VNAH còn sống đã được các đơn vị kinh tế nhận phụng dưỡng suốt đời.

Ngoài việc quản lý chăm lo trợ cấp hàng tháng, thăm hỏi nhân Ngày Thương binh liệt sĩ và bình chọn danh hiệu “Người công nhân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu” cho mẹ VNAH, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, xã còn thường xuyên phối hợp cùng đoàn y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện và một số trung tâm, bệnh viện của thành phố tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho mẹ VNAH, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Để chăm lo an dưỡng, điều dưỡng cho diện chính sách theo tiêu chuẩn quy định do huyện tổ chức, hàng năm xã đều vận động thu quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm tạo điều kiện chăm lo cho gia đình thương binh liệt sĩ và người có công có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống, giới thiệu cho con cháu gia đình chính sách vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn thành. Hiện xã chỉ còn chăm lo nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa xây dựng lâu năm xuống cấp cho gia đình chính sách; sửa sang khuôn viên Nhà truyền thống – bia ghi danh liệt sĩ và tổ chức, tổ chức đoàn cán bộ của xã cùng với thành phố, huyện, các đơn vị kinh tế đến thăm mẹ VNAH, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang đau ốm, hoàn cảnh khó khăn neo đơn và tổ chức đưa thân nhân liệt sĩ viếng mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Để đáp lại sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, các gia đình chính sách luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, luôn làm nòng cốt gương mẫu đi đầu trong các phong trào vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đoàn kết giúp đỡ nhau để mãi mãi xứng đáng là những người công nhân kiểu mẫu, những gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng xã Bà Điểm truyền thống anh hùng ngày càng phát triển đi lên.

AN HƯNG

Tin cùng chuyên mục