Những nẻo nghề lạ

Kỳ 1: Nuôi bò cạp: Gian nan mới thành “vua”

Kỳ 1: Nuôi bò cạp: Gian nan mới thành “vua”

Sài Gòn-TPHCM là vùng đất mới, nơi hội tụ, dung nạp lưu dân của nhiều vùng miền với nhiều phong tục tập quán, lối sống khác nhau. Chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều loại nghề... không biết gọi tên nhưng đã nuôi sống không ít gia đình qua nhiều thế hệ. Tuần San SGGP Thứ Bảy xin giới thiệu loạt bài về những nghề lạ, hơi kỳ quái với những chuyện buồn vui, những số phận, những nỗi lòng của những con người đã gắn bó với các nghề đó như là một định mệnh.

Từ tay không trở thành “vua”

Kỳ 1: Nuôi bò cạp: Gian nan mới thành “vua” ảnh 1

Ảnh: NGUYÊN ANH

Người dân phường Tam Bình, quận Thủ Đức không lạ gì ông “vua” bò cạp Quang Huy. Cách đây hơn 10 năm, chàng trai quê Kiến Xương, Thái Bình này quyết định hành phương Nam để lập nghiệp. Ban đầu, anh Huy chỉ nổi tiếng là người nuôi dế, lập một trang trại hẳn hòi, chuyên cung cấp dế lột, dế thịt, dế giống và thu mua cả dế “ngoài luồng” (dế bắt hoang, không phải dế nuôi), đầu ra là các nhà hàng đặc sản rải rác ở TPHCM nhưng con dế bén duyên cùng người nuôi chẳng được lâu nên cách đây hơn 4 năm, anh quyết định chuyển sang “chơi” bò cạp.

Anh đầu tư cả trăm triệu đồng rồi ròng rã mấy năm trời lặn lội đi khắp các tỉnh miền Trung, miền Tây để tìm giống bò cạp phù hợp về nuôi đại trà trong khu dân cư. Giống bò cạp mà anh quyết định bỏ cả cơ nghiệp để đầu tư là bò cạp đất vì bò cạp núi, bò cạp tranh (còn gọi là bò cạp lửa) quá độc, nếu chúng “sổng chuồng” rất có thể anh phải ra hầu tòa. Bò cạp đất chích chỉ đau, không làm độc, gây sốt, chúng lại phù hợp với độ ẩm trong nhà, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mầy mò mãi, đến đầu năm nay, anh Huy mới thuần hóa được loài bò cạp này, chúng bắt đầu cho những lứa sinh sản trong nhà đầu tiên. Kể từ đó anh quyết định mở rộng trang trại đến tận Tây Ninh, Đồng Nai, Hàm Thuận với quy mô lên đến 20.000 con. Thành công hiện nay của anh Huy không thể có được nếu thiếu cô Kiều Oanh, sinh viên năm thứ 3 ĐH Nông Lâm. Cô sinh viên này đã giúp đỡ anh rất nhiệt tình về kiến thức khoa học, tư liệu, quy trình nuôi và sinh sản côn trùng. Hiện giờ, “trang trại” bò cạp của anh Huy là nguồn cung cấp con giống, con thịt cho cả ngàn hộ gia đình và các nhà hàng khắp TPHCM cùng các vùng lân cận.

Quy trình gian nan

Những ai đến tham quan trang trại bò cạp của anh Huy ở Thủ Đức đều không khỏi ghê người khi nhìn anh biểu diễn với hàng trăm con bò cạp đen nhẫy bò lổn nhổn khắp tay chân, mình mẩy và mặt mũi (ảnh). Để đạt đến mức “thượng thừa” với bò cạp như vậy, anh Huy đã phải sống “cật ruột” với lũ bò cạp nhiều năm trời.

Cái khó đầu tiên trong quy trình thuần hóa bò cạp là khâu vận chuyển. Không biết loài bò cạp “kỵ” với đường sá như thế nào mà mỗi khi di chuyển, tỷ lệ hao hụt con giống lên đến 15%, coi như không có lời. Kế đến là việc giữ độ ẩm trong nhà cho chúng. Khô hanh quá cũng không xong mà độ ẩm cao quá cũng khiến chúng “sổ mũi, nhức đầu”. Riêng các con non mới đẻ lại phải tách ra nuôi riêng vì chúng đòi hỏi độ ẩm cao, khó hơn cả việc nuôi con mọn.

Về khoản ăn uống, nghe sơ qua “thực đơn” hàng ngày của bò cạp mà phát… thèm, nào là tôm sống trộn với thịt bò rồi bằm nhuyễn vo thành viên để trước cửa hang hoặc ngay lối đi quen thuộc để chúng thoải mái “nhâm nhi” cả ngày. Cũng như nhiều loài côn trùng khác, bò cạp không “tu” nước ừng ực mà uống từ từ để “hương” nước ngấm dần vào cơ thể mình. Anh Huy cho biết thêm, cái khó nhất của quy trình nuôi bò cạp là phải nhân được giống.

Muốn chữa bệnh ù, điếc tai do cảm mạo thì lấy bò cạp sấy khô, nướng vàng rồi tán nhỏ pha với rượu, uống một lần vài chung nhỏ. Chữa bệnh xương cốt thì cần hơn chục con bò cạp lửa ngâm với 1 lít rượu, để uống dần.  

Sau khi xác định con trống (thân hình ngắn và dẹp), con cái (thân hình dài, bầu) đã trưởng thành, cho cả hai “làm quen” nhau khoảng một tháng hoặc ít hơn đôi chút là con cái mang thai. Mỗi lứa, trung bình con cái đẻ khoảng 15-20 con, cách nhau khoảng một tháng sẽ cho ra lứa tiếp nối. Nếu con cái nào đẻ đến 30 con thì khoảng 2-3 tháng sau mới có thể cho ra lứa nữa.

Giống bò cạp nuôi con cũng lạ, chúng cõng cả đàn con trên lưng như đeo mớ bong bóng tí hon trong gần cả tháng, bất kể lúc “ăn-uống-ngủ-nghỉ”. Chỉ đến khi đàn con trưởng thành, chúng mới được “hạ thổ”. Hiện tại, các trang trại của anh Huy đã cho xuất đại trà bò cạp lột cho các nhà hàng đặc sản với giá 3.000-4.000 đồng/con, riêng con giống giá xê dịch từ 7.000-15.000 đồng/con, tùy theo thời gian nuôi dưỡng. Trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tháng anh thu lãi ròng chục triệu đồng.

Anh Huy thổ lộ, khoảng một tháng nữa anh sẽ đập căn nhà cấp 4 của mình tại Tam Bình, Thủ Đức, xây sửa lại để làm một “hội quán bò cạp”. “Hội quán” này sẽ trưng bày hình ảnh, biểu diễn và tham quan quy trình nuôi bò cạp đất của anh. Nếu khách phương xa có nhu cầu, anh sẽ phục vụ các món bò cạp đất nướng, chiên và rượu bò cạp các loại. 

"Vốn liếng” hiện có của anh là các bài thuốc ngâm với các loài bò cạp đất và bò cạp lửa để chữa các bệnh như đau nhức xương cốt, ù tai do cảm mạo, méo miệng do trúng gió. Quy trình làm bò cạp ngâm rượu của anh Huy là, bò cạp phải được sấy khô nhưng tránh ánh nắng mặt trời (sẽ đốt cháy phần dược liệu của con bò cạp), rồi sao, sơ chế trước khi ngâm nguyên con với một vài bài thuốc đông y, thuốc nam... Thấy bò cạp “chơi được”, hiện rất nhiều hộ gia đình ở miền Tây, miền Đông Nam bộ ngỏ ý muốn làm đại lý hoặc cơ sở vệ tinh cho trang trại bò cạp của anh Huy. Đó cũng chính là một phần trong dự án “hoành tráng”, nhân rộng thương hiệu “vua” bò cạp của anh Huy.

QUỐC ĐỊNH

Kỳ tới: Nuôi dế - Từ “tay ngang” lên chuyên nghiệp

Tin cùng chuyên mục