Dịch giả, nhà văn trẻ Ngọc Cầm Dương:

“Nghề nào cũng cần chuyên nghiệp”

“Nghề nào cũng cần chuyên nghiệp”

Trước tình hình sản xuất phim ở nước ta ngày càng gia tăng trong khi nguồn kịch bản ngày càng khan hiếm (xem Tuần san SGGP Thứ Bảy số 844), việc các nhà văn trẻ thử sức trong lĩnh vực này quả là điều đáng mừng. Chọn con đường trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp, dịch giả - nhà văn trẻ Ngọc Cầm Dương vừa hoàn thành kịch bản truyền hình đầu tay và đã được công ty Vimax và FPT film quyết định khởi quay trong tháng 8 này.

- Đội ngũ viết kịch bản phim ở nước ta hiện đang thiếu và chưa có tính chuyên nghiệp cao, bạn nghĩ sao mà quyết định theo đuổi lĩnh vực này?

“Nghề nào cũng cần chuyên nghiệp” ảnh 1

- Biên kịch cũng là một nghề như rất nhiều nghề khác. Bất kỳ nghề nào cũng cần những người chuyên nghiệp nên sự lựa chọn của tôi chỉ đơn giản là vì muốn góp thêm một nhà biên kịch yêu nghề và biết việc, vậy thôi. Nền điện ảnh của ta đang có những chuyển biến mới mẻ, nhu cầu về kịch bản lớn nên có rất nhiều việc để làm.

- Học ngành Công nghệ sinh học ở Đức, đâu là bước chuyển để bạn đến với việc sáng tác kịch bản?

- Một buổi sáng thức dậy, tôi cảm thấy cần có trách nhiệm với cuộc đời mình và cần phải đầu tư thời gian, sức lực cho công việc mình yêu thích. Bên cạnh đó tôi cần có một công việc khác có thu nhập ổn định. Tôi quyết định chọn học và làm biên kịch, tiếc rằng việc này không liên quan nhiều đến biến đổi gen và sinh học.

- Nhiều độc giả ngạc nhiên khi biết tác giả của những dòng văn bay bổng, huyền hoặc, có sức ám ảnh trong “Vấn tóc” lại là một cô gái 8X nhí nhảnh, hồn nhiên. Đó là sự khác biệt trong tính cách hay là những phút giây thăng hoa trong sáng tác?

- Màu sắc một bông hoa từ sáng tới chiều cũng đổi khác. Điều đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong cuộc sống và hợp lý trong logic. Viết văn với tôi không phải là để giải trí hay mua vui, nó là nghệ thuật. Ngoài những lúc viết văn, tôi vẫn là tôi. Tôi thích pha trò cho mọi người vui vẻ, tôi thích trẻ nhỏ và thú nuôi.

- Và sẽ thêm một sắc màu cuộc sống khác của Ngọc Cầm Dương trong kịch bản phim truyền hình đầu tay này?

- (Cười) Có thể coi là như vậy. Serie truyền hình đầu tay của tôi là serie Sitcom 24 tập trong mùa đầu tiên (hài kịch tình huống, rất phổ biến và được yêu thích ở nước ngoài nhưng còn tương đối lạ lẫm với khán giả VN), nói về giới cổ trắng làm việc cho những công ty nước ngoài, có thu nhập cao ở thành phố lớn, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tên phim dự kiến là Sở Tây. Bộ phim được FPT Film hợp tác với Vimax sản xuất và do một nhóm đạo diễn trẻ thực hiện, đội ngũ diễn viên hoàn toàn mới.

- Còn về nhóm Biên kịch Dương Nghiêm?

- Tôi và một người bạn cùng học khóa học Biên kịch của dự án điện ảnh (học bổng quỹ Ford, Hoa Kỳ) lập nhóm, dự định lập công ty cung cấp kịch bản theo mô hình Mỹ, hoàn toàn chuyên nghiệp và bài bản. Vì đặc tính của những series truyền hình là dài hơi nên một biên kịch làm việc độc lập sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó làm việc theo nhóm sẽ có lợi thế về ý tưởng cũng như việc duy trì tốc độ, chất lượng kịch bản. Nhưng làm việc theo nhóm cũng đòi hỏi từng cá nhân phải có những cố gắng thích nghi để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất.

- Cảm ơn và chúc bạn tiếp tục gặt hái thành công.

Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, dịch giả, nhà văn trẻ Ngọc Cầm Dương tên thật là Dương Hương Giang, sinh năm 1984 tại Hà Nội. Học chuyên ngành Công nghệ sinh học phân tử và tế bào tại ĐH Tổng hợp Dresden, Đức và khóa học Biên kịch của dự án điện ảnh, học bổng quỹ Ford (Hoa Kỳ). Xuất hiện trên văn đàn năm 2006 với vai trò là dịch giả của các tác phẩm văn học Đức nổi tiếng như Nhà giả kim, Cô gái chơi dương cầm, ngay lập tức Ngọc Cầm Dương đã gây được ấn tượng trong lòng độc giả. Tập truyện ngắn đầu tay Vấn tóc xuất bản vào cuối năm 2006 được nhiều bạn trẻ tìm đọc.

NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục