Trương Hoàng Phương

“Chuyên gia” bản đồ du lịch

“Chuyên gia” bản đồ du lịch

“Xuống đến thung lũng thì trời đã tối, chúng tôi đốt lửa, dựng trại, nấu cơm ăn rồi vào lều ngủ. Sáng hôm sau, tiếng chim hót đánh thức mọi người dậy, nhìn ra thấy bốn bề núi bao, mây giăng thật đẹp, xung quanh lều có rất nhiều ché, lu, nồi đồng... Người dẫn đường cho biết đêm qua đoàn đã ngủ trên nền một ngôi mộ của người dân tộc!”. Đó là một trong hàng trăm kỷ niệm mà Trương Hoàng Phương - Giám đốc Sản phẩm - Tiếp thị của Công ty Vietmark, đã trải qua.

“Phương bản đồ”

Gặp tôi, anh lấy ngay tấm bản đồ du lịch Việt Nam ra tặng. “Ủa, tấm bản đồ này anh mới tặng em tháng trước mà?”, tôi nói. “Không đâu, mới toanh đấy, mình vừa cập nhật thêm thông tin về các cửa khẩu mới được nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia và quốc tế”. Trương Hoàng Phương là vậy. Mỗi lần gặp, anh đều cho tôi ngồn ngộn thông tin về du lịch hay những tấm bản đồ “nóng hổi” mới ra lò.

“Chuyên gia” bản đồ du lịch ảnh 1

Trương Hoàng Phương trong chuyến thám hiểm “Theo dấu chân BS A.Yersin”.

Trương Hoàng Phương xuất thân là nhà giáo – thạc sĩ dạy địa lý về ngành địa mạo học và địa lý du lịch, cộng với gần 20 năm công tác trong ngành du lịch, trong đó 10 năm phụ trách mảng thiết kế sản phẩm (tour – tuyến du lịch). Những tấm bản đồ du lịch Việt Nam và một số địa phương như Đà Lạt, Nha Trang, TPHCM của anh xuất bản hoàn toàn không nhận đăng quảng cáo nên rất khách quan, giá bán lại khá rẻ, được nhiều nhà sách, công ty du lịch đặt hàng. “Tôi muốn biến những tấm bản đồ thành người bạn đồng hành thật sự của du khách”, anh bộc bạch.

Trương Hoàng Phương gắn bó với bản đồ du lịch một phần vì liên quan đến ngành anh học và dạy nhưng lý do chính là xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Hồi trước, trong những chuyến đi, bản đồ rất thiếu và thiếu cả những thông tin phục vụ cho du khách, từ đó anh nảy ra ý tưởng làm bản đồ hướng dẫn du lịch. Năm 1998, anh bắt tay vào làm một số bản đồ. Thời điểm đó, internet chưa phát triển, tài liệu về đường sá, cự ly… của các địa phương thiếu nên làm bản đồ rất khó khăn. Trương Hoàng Phương phải tự vác ba lô đến từng địa phương khảo sát, rồi thông qua bạn bè, hướng dẫn viên và học trò để thu thập thông tin. Chính vì vậy mà những tấm bản đồ của anh đầy ắp thông tin, chi tiết từ nơi ăn, uống, ngủ, nghỉ đến địa điểm vui chơi giải trí, tuyến - điểm tham quan, đường đi, cự ly… “Bây giờ làm bản đồ khỏe hơn rất nhiều nhờ có internet, có Google, có phương tiện định vị vệ tinh GPS, tài liệu của Nhà xuất bản Bản đồ cũng khá đầy đủ nên công việc dễ dàng, chính xác hơn”, anh cho hay.

“Cha đẻ” tour “Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”

Câu chuyện ngủ trong nghĩa địa kể trên (tại thung lũng Dariam) là một trong vô số kỷ niệm mà Trương Hoàng Phương đã trải qua trong lần đầu tiên khám phá con đường mà bác sĩ (BS) A.Yersin đã đi vào năm 1891. (Lúc đó, năm 1995, anh Phương đang làm việc tại Saigontourist). Vì sao anh lại chọn tour “Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin” gai góc này? “Tôi ngưỡng mộ BS A.Yersin vì ông là người khám phá ra cao nguyên Langbian. Ông đã ghi nhật ký về hành trình này rất hay nên tôi quyết đi theo để thỏa mãn trí tò mò”, anh Phương cho biết.

Trương Hoàng Phương xem BS A.Yersin là người thầy khám phá. “Hơn 100 năm sau, tôi khám phá lại con đường này với khá đủ phương tiện và đi cùng nhiều người mà nhiều lúc vẫn cảm thấy nản. Vậy nên tôi càng khâm phục BS A.Yersin”, anh Phương nói. Trong chuyến khám phá ấy, nhóm của Trương Hoàng Phương đi lạc trong rừng 2 ngày đến độ gần kiệt sức. Do vận động nhiều, thiếu muối nên khi đến được trạm kiểm lâm ai nấy đều bỏ thêm muối vào mì tôm mặn đến độ ăn xong cả nhóm bị rộp miệng. Nhóm đã đi qua những ngôi làng cổ chỉ còn lại phế tích là nền nhà, chuồng trại. Vài ngôi làng có tên trong nhật ký và bản đồ của A.Yersin bây giờ đã biến mất như làng Taluy (nơi A.Yersin ngủ qua đêm). Riêng ngôi làng mang tên Talang hiện nay vẫn còn nhưng đã chuyển ra vùng Di Linh.

Anh Phương còn là tác giả tour “Khám phá những ngọn núi lửa ở miền Đông Nam bộ”. Không ít người Sài Gòn rất bất ngờ khi biết rằng ngay vùng Định Quán (Đồng Nai) lại có những ngọn núi lửa. Nhờ con mắt của nhà địa lý anh đã nhìn ra những ngọn núi lửa đã tắt cách đây cả triệu năm. Thế là từ 10 năm trước anh đã thiết kế tour núi lửa, tạo nên một làng sóng du lịch đến tham quan núi lửa.

Lên nơi cao nhất và xuống nơi sâu nhất Việt Nam

“Tôi sống bằng những chuyến đi”, Trương Hoàng Phương nói. Khắp mọi miền đất nước gần như đều có dấu chân anh qua hàng trăm chuyến đi. Hồi đỉnh Phangxipăng - được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” - chưa phải là một điểm du lịch và dễ đi như bây giờ, Trương Hoàng Phương đã chinh phục.

Đã lên được điểm cao nhất nước thì phải xuống được nơi sâu nhất Việt Nam. Đi đâu? Anh quyết định đến Quảng Ninh và đã xuống mỏ than Mông Dương – nơi sâu nhất Việt Nam (-97,7m). Anh kể: “Tôi chọn một giếng lò – loại hầm mỏ sâu và nguy hiểm nhất (kế đến là hầm lò, vỉa lộ thiên) - để xuống nhưng không phải bằng đường thẳng mà bằng đường ngang thông nhau, trèo xuống và đi lên mất một ngày. Xuống rồi mới thấy cuộc sống của con người ở đây đầy khổ cực và nguy hiểm. Chính những chuyến đi này cho tôi sự trải nghiệm và thêm yêu cuộc sống”. Chưa hết, anh còn thực hiện 3 chuyến đi bằng xe đạp dài ngày qua vòng cung Tây Bắc (năm 1988); vùng Đông Bắc (năm 1990); riêng chuyến du khảo đường Hồ Chí Minh (năm 1991) dài hơn 40 ngày.

Trương Hoàng Phương còn là một tay chụp ảnh khá đẹp. Mỗi bức ảnh của anh là thông điệp về thiên nhiên và con người Việt Nam.

Mỗi chuyến đi - về, Trương Hoàng Phương đều chiêm nghiệm, sắp xếp rồi đúc kết lại và xây dựng thành tour – tuyến mới. “Cũng tuyến – điểm đó nhưng tôi cố gắng làm mới hơn. Ví dụ: Đến đảo Khê Gà, người ta thường cho khách đi ghe thì tôi cho khách bơi qua eo biển để đến đảo. Tôi tự đặt cho mình một slogan: “Hạnh phúc là công việc hằng ngày”. Làm công việc mình đam mê, thích thú là hạnh phúc. Còn làm vì đồng tiền rất dễ chán nản”, anh tâm sự.

Trương Hoàng Phương sinh năm 1962, tốt nghiệp khoa Địa lý, ĐH Sư phạm TPHCM năm 1984, được giữ lại trường giảng dạy; năm 1988, học thạc sĩ – chuyên ngành về Địa mạo học; năm 1991, học nghiệp vụ du lịch tại Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn; năm 1993, làm hướng dẫn viên tiếng Anh tại Saigontourist; năm 1997 chuyển qua Phòng Sản phẩm của Saigontourist; hiện là giảng viên môn Địa lý và Địa lý Du lịch tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM và một số trường du lịch và là giám đốc Sản phẩm – Tiếp thị của Công ty Vietmark.

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục