Bạn đọc đặt câu hỏi

Hỏi

Hỏi: Xin cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của từ “Vu Lan”. Thầy Bảy (Cao Lãnh - Đồng Tháp)

LÊ ANH MINH:
Khoảng rằm tháng 7, có một mùa lễ Phật giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á. Ở Nhật gọi là lễ Obon. Chữ Bon này là tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ Ullambana (tiếng Phạn). Trung Quốc phiên âm Ullambana ra Hán là hoặc Ô Lam Bà Na hoặc Vu Lan Bồn. Việt Nam gọi tắt là Vu Lan .

Nhiều người hiểu chữ Bồn theo âm Hán Việt, nghĩa là cái bồn, cái chậu mà không biết đây chỉ là mượn âm Hán để phiên âm tiếng Phạn (Sanskrit) chứ không liên quan gì đến ý nghĩa nói trên. Có ngộ nhận ấy bởi vì mùa lễ này tín đồ cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện vong linh thân nhân được siêu thoát. Cái bồn (chậu) là vật đựng thức ăn cúng dường. Nếu hiểu như vậy (Vu: cái bình bát; Bồn: cái chậu) thì không ai giải thích được chữ Lan nghĩa là gì trong ngữ cảnh này (mặc dù nghĩa thông thường là hoa lan).

Để hiểu đúng thuật ngữ Vu Lan Bồn phải quay về gốc tiếng Phạn của nó. Ullambana có nghĩa là treo ngược (đảo huyền), ám chỉ sự thống khổ của các vong linh đói khát bị đọa đầy (bị treo ngược) nơi địa ngục.

Kinh Vu Lan (tức Vu Lan Bồn kinh: Ullambana-sùtra) lần đầu tiên được Trúc Pháp Lan (Dharmarakþa, 266-317) dịch từ Phạn văn sang Hán văn. Các lễ tụng kinh này mãi đến thời Lương Vũ Đế (tại vị 502-549) mới phổ biến. Có thuyết cho rằng kinh Vu Lan được soạn tại Trung Quốc.

Tập quán cúng dường Tam Bảo để độ rỗi vong linh đói khát nơi địa ngục không rõ bắt nguồn tự bao giờ nhưng người ta hay liên hệ đến câu chuyện Mục Kiền Liên (Maudgalyáyana), một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca, hỏi Phật cách cứu độ mẹ ông hiện là quỷ đói (preta) nơi địa ngục. Phật bảo phải cầu sự hộ trì của thập phương chúng hội (tức là tăng lữ). Đó là nguyên do có kinh Vu Lan.

Việc cúng dường cầu xin cho cha mẹ và tổ tiên đã khuất được siêu thoát đã toát ra nét đẹp rất văn hóa và nhân bản của Vu Lan, vì vậy đây là mùa báo hiếu. Trong nền đạo đức Đông phương, hiếu là đức hạnh đứng đầu trăm hạnh khác (Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên). Chữ hiếu đã xuất hiện tại Trung Quốc từ thời xa xưa. Những mảnh xương và mai rùa (giáp cốt) ghi chép lời bói (bốc từ) của thời Ân-Thương (thế kỷ 17-11 trước Công nguyên) đã có ghi khắc chữ hiếu (theo dạng giáp cốt văn). Như vậy hiếu là nét văn hóa có sẵn tại Trung Quốc lâu đời, trước khi Trung Quốc tiếp thu Phật giáo Ấn Độ.

Nói khác đi, Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã pha trộn với tín ngưỡng gia tiên (ancestor worship) bản địa mà hình thành phong tục cúng dường để độ rỗi vong linh gia tiên bảy đời đang đói khát, đồng thời người ta cũng cúng tế thực phẩm và đốt y phục giấy cho vong linh của thân nhân. Tại Nhật, cuối mùa Vu Lan, trên các ngọn núi người ta đốt các ngọn lửa xếp thành chữ Hán như đại , diệu , pháp , v.v… để dẫn đường các vong linh trở về cõi âm.

Tin cùng chuyên mục