62 năm Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2007)

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, tại phiên đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ thứ ba là lập hiến và tổng tuyển cử. Tại sao tổng tuyển cử và lập hiến lại được xếp vào một nhiệm vụ?

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc %Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945.

Vấn đề chính là ở chỗ tổng tuyển cử là để lập hiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, muốn có Hiến pháp thì phải tổ chức tổng tuyển cử để nhân dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội sẽ soạn thảo ra Hiến pháp. Quốc hội được bầu ngày 6-1-1946 chính là một Quốc hội lập hiến. Điều này thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lập hiến thuộc về nhân dân và lập hiến bằng con đường Quốc hội lập hiến.

Do hoàn cảnh cụ thể cộng với tư duy sáng tạo trong tư tưởng lập hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương Quốc hội vừa lập hiến và lập pháp. Tư tưởng này đã được thực tế kiểm nghiệm qua bốn lần sửa đổi Hiến pháp thay vì phải có hai Quốc hội lập hiến và lập pháp riêng. Ý tưởng một Nhà nước không có Hiến pháp là Nhà nước không dân chủ đã được Người tiếp thu có chọn lọc tư tưởng về Nhà nước dân chủ và pháp quyền của các tư tưởng tiến bộ của thời đại. Sự thành lập bộ máy Nhà nước do tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Nhà nước của dân tộc ta.

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân ảnh 2

Hiến pháp là “luật mẹ”, đó là cơ sở để xây dựng hàng loạt hệ thống luật pháp thể hiện ý tưởng, quyết tâm của Người và của nhân dân là xây dựng một “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu của Hiến pháp 1946). Hiến pháp là văn bản phản ảnh tổ chức chính trị của quốc gia. Chính vì tính đặc thù của Hiến pháp là văn bản quy định về tổ chức quyền lực Nhà nước, tổ chức chính trị của quốc gia, cho nên việc thiết lập Hiến pháp là thể hiện chủ quyền của quốc gia. Một quốc gia có độc lập, có chủ quyền thì mới có Hiến pháp. Chính vì vậy có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 là tiền đề, là cơ sở của Hiến pháp năm 1946.

Tuyên ngôn độc lập đã tạo ra điều kiện cho sự ra đời của Hiến pháp. Đến lượt mình, Hiến pháp lại khẳng định những giá trị độc lập dân tộc mà Tuyên ngôn đã ghi nhận. Chính Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định chế độ dân chủ là cơ sở cho việc ra đời Hiến pháp. Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng, Việt Nam đã trở thành một Nhà nước dân chủ cộng hòa. Tại chương I, Hiến pháp ghi: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Chính nền độc lập của đất nước và tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập đã cho ra đời một Hiến pháp của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục