62 năm Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2007)

Gặp người lái xe của vua Bảo Đại

Gặp người lái xe của vua Bảo Đại

Tại khu tập thể Xã Tắc, thành phố Huế, tôi được gặp cụ Nguyễn Như Đào, người mà vào tháng 8-1945 đã lái xe chở vua Bảo Đại đến trao ấn, kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam. Năm nay cụ Đào đã 91 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh anh. Câu chuyện về cuộc đời của cụ cuốn hút người nghe một cách kỳ lạ. 

Từ “tài xế số một” của vua Bảo Đại...

Gặp người lái xe của vua Bảo Đại ảnh 1
Bốn anh em cụ Đào (cụ Đào đứng ngoài cùng, bên phải), từng là thị vệ triều đình nhà Nguyễn, sau đều đi theo cách mạng.

Ông nội và cha của cụ Nguyễn Như Đào đều làm việc trong cung vua triều Nguyễn. Khi đến tuổi thanh niên, cụ cũng được cha đưa vô cung làm thị vệ. Dẫu không làm chức tước to song gia đình cụ cũng được sống trong cung cấm.

Ngày đó, vua Bảo Đại có một đội xe toàn loại sang như Packard, Cadillac... Nhiều lần cụ Đào thổ lộ sở thích là được lái xe ô tô chứ không muốn làm thị vệ. Rồi một ngày, điều này đến tai vua. Thấy cụ Đào to khỏe, vóc dáng thanh thoát lại thích lái xe nên vua Bảo Đại cho cụ học lái xe, từ đó cụ trở thành “tài xế số một” của vua.

Vua Bảo Đại là người thích săn bắn nên thường ngự đạo lên Buôn Ma Thuột, Đà Lạt. Theo lời cụ Đào, mỗi lần đi săn xa, vua chỉ mang theo vài cận vệ, dọc đường ít khi vua nghỉ lại mà thường bảo lái xe chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt. Đến nơi, vua cưỡi voi vào rừng săn bắn, chiều vua thường đá bóng với đám thị vệ và lính quan ở địa phương. Năm 1939, vì đá bóng nên Bảo Đại bị gãy chân ở Buôn Ma Thuột, cụ Đào đã lái xe chở vua về Sài Gòn băng bó tạm, sau đó vua và hoàng hậu Nam Phương bay sang Pháp để chữa trị, còn cụ Đào đưa xe ô tô đến Pháp bằng đường tàu thủy để phục vụ vua. 

Ngày 30-8-1945 là ngày mà cụ Đào không bao giờ quên. Hôm ấy, chính cụ Đào đã chở vua Bảo Đại trên chiếc xe Nash đến Ngọ Môn để trao ấn, kiếm cho ông Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào. Cả khu vực đại lễ rợp cờ, hoa, bà con tập trung về mừng ngày cách mạng giành thắng lợi, chính quyền từ nay về tay nhân dân. Sau đó, Bảo Đại trở thành cố vấn Vĩnh Thụy cho Chính phủ cách mạng, còn gia quyến vẫn ở lại cung An Định. Cụ Đào tiếp tục lái xe cho gia đình cố vấn Vĩnh Thụy thêm một thời gian nữa.

Sau khi cách mạng thành công, cụ Đào lái xe chở bà Nam Phương vợ cố vấn Vĩnh Thụy đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”. “Sáng sớm bà Nam Phương đeo vàng đầy cổ và tay, rồi bà bảo tui chở đi, tui và mọi người nhìn bà không hiểu. Đến điểm quyên góp “Tuần lễ vàng” bà Nam Phương đã tháo toàn bộ vàng trên người ủng hộ, nhờ đó nhiều người cũng quyên góp theo”, cụ Đào kể với giọng cảm phục.

...Trở thành anh lính cụ Hồ

Năm 1947, cụ Đào bắt đầu rời Huế đi theo cách mạng. Cụ ra Bắc theo Ủy ban hành chính Trung bộ. Mấy năm đó, ở miền Trung, cụ Đào được coi là tay thợ bậc cao về xe cộ quân dụng. Chính cụ Đào là người đã tập hợp đưa toàn bộ máy móc, thiết bị ở Trường Kỹ nghệ Huế ra Hà Tĩnh - an toàn khu của ta, chuẩn bị vũ khí, phương tiện cho chiến trường Bình Trị Thiên.

Một năm sau, mùa thu năm 1948, anh lính Nguyễn Như Đào được triệu tập lên Việt Bắc chuẩn bị thành lập Cục Vận tải phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc, Biên giới, Điện Biên... Cụ Đào cho biết, chính cụ là một trong những người đầu tiên vượt biên giới qua Bằng Tường (Trung Quốc) nhận các loại xe của nước bạn Trung Quốc và Liên Xô sản xuất đem về phục vụ cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong những năm tiếp đó.

Kể về gia đình mình, cụ Nguyễn Như Đào không giấu được vẻ tự hào của một người từ trong cung cấm bước ra đi làm cách mạng, phục vụ lợi ích dân tộc: “Bốn anh em trai của tui đều làm thị vệ trong triều Nguyễn và sau đó đi theo cách mạng tham gia kháng chiến, trưởng thành trong quân đội; vợ tui trước làm thư ký cho bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) sau tham gia cách mạng ở địa phương; em trai kế tui là Nguyễn Như Kỵ và Nguyễn Như Hùng đều làm bác sĩ quân y; em thứ 3 là Nguyễn Như Quảng là sĩ quan Sư đoàn 325...”.

LAM KHANH - SÔNG LAM

Tin cùng chuyên mục