Quận 9: 10 năm phát huy sức dân

Quận 9: 10 năm phát huy sức dân

Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng sau 10 năm, quận 9 (TP Hồ Chí Minh) đã mang một diện mạo mới, dáng dấp một đô thị văn minh, hiện đại. Để có được kết quả này, theo ông Phan Nguyễn Như Khuê (ảnh) – Bí thư quận 9, tất cả đều nhờ “biết phát huy sức dân”.

Quận 9: 10 năm phát huy sức dân ảnh 1

Có thể nói, sự phát triển của quận 9 bắt đầu từ xuất phát điểm thấp: kinh tế phát triển thấp và không đồng đều; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển chậm; cơ sở hạ tầng yếu kém. Ngay cả tổ chức ban đầu với 11 phòng ban chuyên môn, số cán bộ công chức được phân công từ huyện Thủ Đức sang chỉ đạt 50% biên chế cho phép; điều kiện làm việc chưa đáp ứng được yêu  cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, để tạo nên một diện mạo mới, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm hàng đầu. Bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương và sự đóng góp của nhân dân,  đường sá, cầu cống, trường học…  ngày càng hoàn thiện, khang trang và sạch đẹp. Nhờ đó, quận đã trở  thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. “Khu công nghiệp Phú Hữu, khu công nghệ cao, công viên lịch sử văn hóa và các khu đô thị mới đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của quận” - ông Khuê khẳng định.

Bên cạnh đó, quận có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích người dân và các doanh nghiệp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nếu như năm 1997, toàn quận có 366 cơ sở sản xuất cá thể, 18 doanh nghiệp, 16 công ty thì đến cuối năm 2006, có 1.493 cơ sở sản xuất cá thể, 162 công ty, 3 hợp tác xã với tổng  vốn đầu tư  862,003 tỷ đồng. Đây là kết quả của chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, luôn tạo điều kiện về mặt bằng và vốn cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đã tăng từ 159,034 tỷ đồng (năm 1997) lên 1.095,220 tỷ đồng (năm 2006), tốc độ tăng trưởng bình quân 24,65%/năm. Thương mại dịch vụ đã từng bước mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với doanh số bán ra tính đến cuối năm 2006 là 2.766,635 tỷ đồng, tăng 28,06%/năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù quỹ đất không còn nhiều nhưng quận chủ trương khuyến khích và vận động bà con phát triển  những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phục vụ đô thị như trồng cây kiểng , chăn nuôi  bò sữa…

Nhìn lại chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, ông  Phan Nguyễn Như Khuê  - Bí thư quận 9, nhận định: “Ngoài việc chú trọng phát triển  kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao mức sống của người dân, Quận ủy và UBND quận  rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng làm thay đổi cảnh quan đô thị. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng đạt khoảng 800 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân chiếm 50% - 60%. Đến nay, đã có 66.822m đường giao thông được nhựa hóa, xây dựng 13 cầu bê tông, lưới điện quốc gia phủ kín 13/13 phường và 9/13 phường đã được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, xây dựng 21 trường học, 1 trung tâm y tế…  Ngoài ra, cùng các ban ngành thành phố, quận đã thực hiện 60 dự án xóa nghèo cho các vùng sâu, thực hiện nhanh chủ trương xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân”.

Tuy nhiên, cái gốc của sự phát triển, theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, chính là biết phát huy sức mạnh nội lực của dân: “Nhờ có sức dân nên mọi việc chúng tôi triển khai đều nhanh chóng, thuận lợi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy tính năng động sáng tạo, từng bước cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.

Quận 9 thành lập năm 1997 với diện tích tự nhiên 113,869km2; có 13 phường, 207.584 khẩu; là quận có truyền thống đấu tranh qua 2 thời  kỳ  kháng chiến và được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 9/13  phường được tuyên dương Anh hùng; có 74 mẹ Việt Nam anh hùng và 5.665 gia đình chính sách.  

TRÍ THIỆN

Tin cùng chuyên mục