“Cha yêu”- Chuyện tưởng đã cũ…

“Cha yêu”- Chuyện tưởng đã cũ…

Người anh tên Trần, người em tên Tâm. Trần vì quá yêu Hồng nên cãi lời cha, theo người yêu sang nước ngoài định cư. Cuộc sống xứ người khó khăn, anh phải làm đủ thứ việc từ chạy bàn, khuân vác đến gác nhà vệ sinh… để kiếm sống. Chẳng may, một tai nạn đã tước đi khả năng làm chồng của anh nên anh chủ động ly hôn để vợ tìm hạnh phúc khác. Trong khi đó, Tâm ở quê nhà lười biếng, không chịu lao động, chỉ sống dựa vào khoản tiền người anh dành dụm gửi về nuôi cha già. Cậy anh mình ở nước ngoài, bao nhiêu tiền nhận được, Tâm nướng hết vào những cuộc đỏ đen và cá độ bóng đá. Quá bất ngờ khi nghe biết tin cha già đã qua đời từ lâu, Trần quyết định về VN một chuyến để rồi chứng kiến một tấn kịch lừa dối…

“Cha yêu”- Chuyện tưởng đã cũ… ảnh 1

Cảnh trong vở “Cha yêu”.

Nội dung vở kịch không mới bởi đây chính là kịch bản Thư video do chính tác giả Thanh Hoàng viết và dàn dựng cách đây khoảng 20 năm và từng đoạt giải cao trong Liên hoan sân khấu quần chúng toàn thành. Vở sau đó trở thành kịch mục của Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ hiện nay). Kịch bản Thư video (tên mới là Cha yêu) từng được đạo diễn Nguyễn Công Ninh dựng cho Sân khấu kịch Sài Gòn. Nhưng lần này, Cha yêu lại được chính tác giả Thanh Hoàng dựng lại cho Nhà hát kịch 5B. Kể lòng vòng như vậy để thấy chuyện mà vở đề cập đến, một số người trong nước ăn không ngồi rồi thậm chí ăn sung mặc sướng, chơi bời, tiêu xài hoang phí đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi nước mắt (có khi cả máu) của người thân ở nước ngoài gửi về, là chuyện cũ nhưng đến nay không phải tất thảy mọi người đã thức tỉnh. Người VN ta vốn nặng tình gia đình. Người lao động xuất khẩu hoặc đi lấy chồng ngoại hiện nay… hầu hết đều lao vào làm việc ngày đêm với mong muốn kiếm thật nhiều tiền để gửi về phụ giúp gia đình. Nhiều gia đình đã nhờ đó mà qua cơn túng quẫn, thậm chí còn có cuộc sống tươm tất hơn người. Thế nhưng, không ít kẻ đã lợi dụng lòng thương yêu, hiếu thảo đó tìm mọi cách moi tiền người thân, mặc sức tiêu xài, chây lười lao động.

Nhờ phản ánh một hiện thực khá phổ biến đang trở thành nỗi nhức nhối của những người có lương tri nên vở kịch ngắn Thư video của tác giả Thanh Hoàng trước kia khi trình làng đã tạo được một hiệu ứng xã hội khá mạnh mẽ. Lúc được triển khai thành vở kịch dài ở Sân khấu kịch Sài Gòn, vở cũng đã tạo được tiếng vang. Tái hiện trên Nhà hát kịch 5B lần này với một vài thay đổi nhỏ trong cách dàn dựng, vở Cha yêu cũng là một vở đang được người xem trông đợi. Tuy vậy, xét ở góc độ kịch bản, vở Cha yêu cho dù đã được mở rộng, tăng cường nhân vật nhưng nội dung cũng không đầy đặn bao nhiêu so với Thư video. Xem phần đầu, người ta có thể đoán ngay được phần cuối và lời thoại vẫn còn khá giản đơn, mộc mạc, câu chữ chưa có độ dày ngữ nghĩa cần có của một vở kịch dài. Nhược điểm này phần nào được khỏa lấp bởi dàn diễn viên cứng nghề như NSƯT Việt Anh, Công Ninh, Hoàng Sơn, Thanh Hoàng, Thanh Hải,…

Trở về làm diễn viên trong một vở kịch chính mình từng đạo diễn, nghệ sĩ Công Ninh đã đóng khá duyên vai Trần. Với gương mặt khắc khổ cộng lối diễn pha chút hóm hỉnh, Công Ninh đã thể hiện được nỗi bất hạnh mang chất bi hài của nhân vật Trần. Trong vai anh chàng Tony láu cá, diễn viên trẻ Thanh Hải lần nữa cho thấy khả năng “giảo hoạt” khá thông minh trên sàn diễn. Lột tả tính cách vai Tâm chưa thật sự sắc nét song nghệ sĩ Hoàng Sơn vẫn đem lại cảm giác dễ chịu bởi cái duyên trời cho. Riêng NSƯT Nguyễn Việt Anh chỉ xuất hiện rất ngắn trong vai ông già bán vé số nhưng anh đã biết tìm cho mình cách thể hiện độc đáo, tạo được dấu ấn nơi khán giả. Tiếc là hầu hết các nhân vật nữ đều mờ nhạt (ngoại trừ vai cô em gái bị bệnh thiểu năng) mà tiếc nhất là vai dì Sáu của NSƯT Tú Lệ, một vai không có đất để một nghệ sĩ tài năng như chị thể hiện mình.

NHẬT LAM

Tin cùng chuyên mục