Thành phố bao giờ cũng thế!

Thành phố bao giờ cũng thế!

Từ nơi xa, anh mail cho tôi, sau những dòng chữ ngắn gọn và rõ ràng thông báo về công việc như thường lệ, dòng cuối bất ngờ là một câu hỏi: “Sài Gòn bây giờ thế nào hả em...?”.

Thành phố bao giờ cũng thế! ảnh 1
Khu vực trước Bưu điện TP - một hình ảnh thân quen trong ký ức người Sài Gòn.Ảnh: T.L.

Sài Gòn bây giờ thế nào ư? Anh xa Sài Gòn đã rất lâu rồi, biết anh còn nhớ hay đã quên những gì để có thể kể cho anh nghe nhỉ? Bỗng giật mình tự hỏi, ba mươi năm sống ở thành phố phương Nam đầy nắng gió này nhưng với tôi, Sài Gòn có gì trong tâm tưởng?

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ, lạ lẫm:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về

Trong tôi, đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi, sẵn sàng làm việc nghĩa. Vị trí địa lý tự nhiên đã “quy định” cho đất và người Sài Gòn tính cách phóng khoáng, cởi mở, dễ dàng tiếp xúc và giao lưu, dễ tiếp nhận những cái mới, những người mới… Sự khai sinh Sài Gòn - Gia Định là quá trình của những con người từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong cả nước, trong đó có cả những nhóm người Hoa, hội nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này.

Trong dòng lưu dân khai phá Sài Gòn - Gia Định, phần đông là nông dân từ miền Bắc, miền Trung… Những người nông dân ấy khi vào đến vùng đất thiên nhiên còn hoang sơ, đất rộng người thưa lại cùng cảnh ngộ, việc làm ăn không còn quá vất vả như trên cánh đồng ô trũng bị che chắn bởi đê điều ở châu thổ sông Hồng hay dải ruộng hẹp sát núi liền biển ở miền Trung nên sự sẻ chia, bao bọc được nhân lên và tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp cũng được nhân lên cùng với sự năng động, quyết đoán hơn: “Làm đại đi, ừ, làm đại nghen!”.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cho đến bây giờ nếu làm một cuộc thống kê ở các thành phố lớn về hội đồng hương của các tỉnh (chưa kể đến huyện, xã) thì chắc chắn, Sài Gòn là nơi có số lượng nhiều nhất.

Ở Sài Gòn ta có thể nghe thấy tiếng nói, thưởng thức món ăn của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cách thức làm ăn của những người tứ xứ tại đây vẫn đậm nét Sài Gòn: nhanh nhạy “chịu chơi” (chứ không chơi chịu), tín nghĩa “một là một, hai là hai”. Sài Gòn biết chấp nhận những khác biệt chứ không kỳ thị, không tự lấy mình “làm chuẩn” để so sánh hơn-thua… Luôn thích nghi và dung nạp những điều mới lạ nhưng không đánh mất bản chất của mình, ấy là phẩm chất mà người Sài Gòn hôm nay mang theo mình như một hành trang quan trọng trên con đường hội nhập.

Anh hỏi tôi Sài Gòn bây giờ thế nào? Anh ạ, Sài Gòn bây giờ vẫn thế. Thành phố những năm gần đây đã mở rộng, cảnh quan thay đổi từng ngày nhưng vị thế địa - văn hóa, địa - kinh tế của nó vẫn không thay đổi. Thành phố giờ đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ, những người đã làm nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố đồng thời cũng được nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang.

Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã thầm hiểu, nơi mình sinh ra là nơi để gửi nhớ, gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể sống hết mình trong suốt cuộc đời... Và nếu như đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn: Mỗi khi nghĩ về Sài Gòn lòng ta ấm áp một tình cảm gắn bó vì đây là thành phố của mình, vì ta đã là người Sài Gòn!

Rất mong một ngày nào đó anh về lại Sài Gòn, đi trên những con đường hoa điệp vàng hay dưới hàng cây cao vút thả từng cánh hoa xoay xoay trong gió chiều, ngắm nhìn người Sài Gòn, lắng nghe nhịp sống Sài Gòn, chắc hẳn anh sẽ đồng cảm hơn với cảm nhận của tôi: Sài Gòn bây giờ vẫn thế, và bao giờ cũng thế…!

Tin cùng chuyên mục