Đi Vĩnh Hảo mua hải quỳ

Đi Vĩnh Hảo mua hải quỳ

Anh bạn thân vừa mua một bể cá cảnh biển trang trí cho ngôi nhà của mình. Và để cho bể cá thêm phần sinh động, anh có ý định mua vài con hải quỳ và một ít đá “sống” thả vào. Biết tôi là người đi nhiều, anh tìm đến nhờ tư vấn, vậy là chúng tôi trực chỉ Vĩnh Hảo vì nơi đây sẵn sàng cung ứng mọi sinh vật biển, cho dù quý hiếm cỡ nào.

Từ hải quỳ…

Đi Vĩnh Hảo mua hải quỳ ảnh 1

Một bể đá sống.

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi chạy xe vào khu vực cầu 41 nằm trên QL 1A xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) thuộc khu vực biển Cà Ná tìm gặp anh Thanh, một người chuyên cung cấp các loại sinh vật biển cho thị trường TPHCM. Sau khi biết ý định của chúng tôi, anh Thanh cho biết giá mỗi con hải quỳ hiện nay là 15.000 đồng giao tại chỗ, còn nếu vận chuyển vào TPHCM thì giá mỗi con tăng thêm 2.000 đồng.

Tuy nhiên, anh Thanh cũng cho biết mình chỉ có thể cung cấp khoảng 200 con trở lại chứ nhiều hơn nữa thì “chào thua”. Không phải vì anh không có đủ lượng hàng mà vì hiện anh chưa có đầy đủ phương tiện để bảo quản. Nếu chúng tôi muốn mua với số lượng lớn, anh sẽ giới thiệu một người mà theo anh là đại gia trong nghề buôn bán sinh vật biển ở khu vực này. Máu nghề nghiệp trỗi dậy, tôi dò hỏi địa chỉ người mà anh Thanh cho là “đại gia” kia. Đó là một phụ nữ tên Mai, cách nhà anh Thanh chừng non cây số về hướng Cà Ná.

Nhà bà Mai nằm ven QL 1A, trước nhà có tấm bảng: “Chuyên cung cấp các loại cá cảnh”. Khi nghe anh bạn đi cùng ngỏ ý muốn tìm mua hải quỳ cùng một số sinh vật biển khác với số lượng lớn để cung cấp cho một khu thủy cung sắp mở ở Hà Nội, bà Mai liền đưa chúng tôi ra đằng sau nhà, ở đó có ba cái hồ khá lớn, trang bị đầy đủ thiết bị lọc nước cũng như máy thổi oxy chứa đầy hải quỳ và san hô sống.

Sau khi chúng tôi xem hàng, bà Mai mới cho hay: Bà chỉ cung cấp hàng với số lượng lớn chứ vài trăm con thì chẳng bõ bèn gì. Bà Mai cho biết thêm hàng bà giao tận nơi mới nhận tiền, mọi rủi ro trên đường đi bà chịu, có điều giá cao hơn chút đỉnh. Hải quỳ muốn bao nhiêu cũng có, còn nếu mua cá cảnh quý hiếm như Hoàng đế hay Hoàng anh thì phải đặt trước nhiều ngày mới có. “Lỡ trên đường vận chuyện gặp kiểm ngư thì sao?” - nghe chúng tôi hỏi, bà Mai liền nở nụ cười khẩy thay cho câu trả lời. Bà ta nói như khoe với chúng tôi rằng bà mới vận chuyển ra Hải Phòng một chuyến gần 2.000 con hải quỳ và mấy trăm con cá cảnh biển đủ loại, sắp tới  còn một chuyến hàng đi Huế nữa.

Để đảm bảo an toàn cho hải quỳ và các loại sinh vật biển khác đến nơi giao hàng, tất cả đều được cho vào túi nylon bơm đầy oxy và được vận chuyển bằng xe đông lạnh, giống như vận chuyển tôm Post. Có lẽ vì thế mà các lực lượng kiểm ngư không phát hiện được chăng? Chúng tôi hứa sẽ quay trở lại để ký hợp đồng sau khi đã tham khảo ý kiến khách hàng ở Hà Nội rồi lên xe quay trở lại nhà anh Thanh.

Trở lại nhà anh Thanh, chúng tôi được anh cho biết: Trong nghề buôn bán sinh vật biển, bà Mai vẫn chưa phải là một đại gia lớn đến mức có thể chi phối mọi hoạt động buôn bán, người có thể làm chuyện đó phải kể đến vợ chồng Thủy “cá” ở xóm 7, xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong. Tất cả lượng hàng lớn đều phải qua đường dây của Thủy “cá”. Anh nào có ý định “chơi trên tay” thì coi chừng, thế nào kiểm ngư cũng tìm đến “hỏi thăm sức khỏe” ngay tắp lự. Anh Thanh còn cho biết thêm, cách đây chừng vài năm, lực lượng kiểm ngư Bình Thuận cũng có đến kiểm tra nhà Thủy “cá” nhưng không hiểu vì sao đâu vẫn vào đấy, việc buôn bán của chị em Thủy “cá” vẫn diễn ra bình thường.

Để có những con hải quỳ sắc màu rực rỡ trang điểm cho những bể cá cảnh biển của các Thượng đế lắm tiền, những người thợ lặn ở Vĩnh Hảo phải đi thuyền ra xa bờ chừng 15 hải lý, ngậm ống hơi lặn xuống hơn 10 sải nước ở những vùng rạn mới có thể bắt được. Vậy mà 1 con hải quỳ loại lớn (đường kính 20cm) đầu nậu cũng chỉ mua lại với giá bọt bèo: 5000đ/con. Còn loại nhỏ thì rẻ hơn nhiều.

Sơn, một thợ lặn mới 20 tuổi đời nhưng đã có thâm niên 6 năm trong nghề lặn bắt hải quỳ, cá cảnh cho biết:  Mỗi khi các chủ hàng yêu cầu, các anh mới dong thuyền ra vùng giáp rạn để lặn bắt. Vào những tháng giáp Tết, ngày nào anh cũng đi lặn, có ngày kiếm được vài trăm ngàn. Lặn bắt cá cảnh thì nhọc công hơn nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ cần kiếm được 1 hay 2 con cá Hoàng anh hay Hoàng đế là coi như “ấm cữ”.

Sơn cho biết thêm, hiện nay ở vùng biển Vĩnh Hảo thường xuyên có 3 chiếc thuyền của ngư dân Khánh Hòa túc trực chuyên lặn bắt cá cảnh. Thường thường khi đi lặn hải quỳ, nếu phát hiện có cá đẹp họ liền tìm cách xua cá vào những hốc san hô của vùng rạn sau đó bơm thuốc làm cho con cá say thuốc rồi bắt lên. Hỏi đó là thuốc gì thì Sơn bảo, chỉ biết đó là thuốc mua lại của các thuyền lặn ở Khánh Hòa!!!

...Đến “đá sống”, đá mềm

Đi Vĩnh Hảo mua hải quỳ ảnh 2
Hải quỳ, 15.000đ/con. Mua bao nhiêu cũng có.

Với kiểu đánh bắt mang tính hủy diệt như thế, việc các loài sinh vật biển ngày càng trở nên hiếm hoi là điều hiển nhiên. Vì thế mà ngày nay, kiếm được một lô hàng chừng non trăm con hải quỳ lớn là điều cực khó.

Không có hải quỳ lớn thì người chơi đành phải chấp nhận những con hải quỳ nhỏ. Có điều, không hiểu có phải do tập quán hay không mà hải quỳ con thường bám thành bầy trên những viên đá và người dân ở đây gọi đó là đá “sống”. Anh Thanh cho chúng tôi biết thêm: Hồi trước, thứ này người ta chê, không ai chơi. Có điều, bây giờ hải quỳ lớn hiếm quá nên loại hải quỳ “nhi đồng” họ cũng chơi tuốt. Thế là biển ngày càng mất đi những đứa con xinh đẹp.

Vĩnh Hảo có một vùng rạn san hô tương đối rộng, là nơi cư ngụ lý tưởng cho các loài sinh vật biển. Đi ngang qua vùng biển này chúng ta sẽ bắt gặp những quầy hàng bày bán san hô một cách công khai dọc theo QL 1A. Những cành san hô mà người dân địa phương gọi là bông đá được bẻ lên bán với giá bọt bèo: 5000đ/cành loại trung bình. Đó là chưa kể họ còn bứng lên cả những bông san hô mềm mà người ở đây gọi là đá mềm, loại này tuy mắc hơn nhưng cũng không tới 20.000đ/bông!

Hiện nay, một bộ phận người dân Vĩnh Hảo sống sung túc nhờ các nguồn lợi của biển khơi mặc cho mái nhà của biển đang ngày một rạn vỡ.  Đem điều băn khoăn đó ra hỏi người dân ở đây thì đều nhận được câu trả lời: “Kệ, cốt kiếm cái ăn trước đã, những chuyện đó hơi đâu mà lo”.

Trên đường về, chúng tôi thấy một tấm bảng to đùng, được đúc bằng xi măng hẳn hoi mang dòng chữ: ”Cấm mua bán, khai thác, vận chuyển các loài san hô”. Vậy mà dọc 2 bên đường QL 1A, đoạn ngang qua Cà Ná, Vĩnh Hảo, những sạp bán san hô vẫn bày ra nhan nhản như một lời thách thức.

Tin cùng chuyên mục