Quảng Trị

Sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lá trên đỉnh Sa Mù

Lần đầu tiên được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa di thực trồng tại khu vực đỉnh đèo Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã phân bổ 500 triệu đồng để Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đầu tư mua giống cây sâm Ngọc Linh đưa về trồng thử nghiệm ở địa phương.

Sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lá trên đỉnh Sa Mù ảnh 1 Hơn 1.100 cây sâm Ngọc Linh được theo dõi, chăm sóc

Giống sâm được mua tại các vườn ươm ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mang về trồng, cây giống được 1 năm tuổi, với giá 360.000 đồng/cây.

Khu vực đèo Sa Mù có độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển, nơi trồng thử nghiệm thuộc khu vực rừng nguyên sinh, tán rừng ẩm, nhiều mùn, có nhiệt độ trung bình ban ngày 18-23 độ C, ban đêm 12-15 độ C khá tương đồng với vùng núi Ngọc Linh nơi được mệnh danh thủ phủ sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lá trên đỉnh Sa Mù ảnh 2 Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt 

Sau gần 2 tháng đưa về trồng và chăm sóc cây sâm sinh trưởng, phát triển khá tốt. Hiện một số cây, phần thân, lá đã rụng do cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông kéo dài đến hết tháng 12.

Sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lá trên đỉnh Sa Mù ảnh 3 Một số cây Sâm Ngọc Linh bắt đầu ngủ đông
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Để bảo vệ cây sâm chúng tôi luôn phân công cán bộ theo dõi khu vực thường xuyên nhằm ngăn chặn sự tác động của con người, môi trường cũng như động vật. Quá trình trồng, chăm sóc cây sâm luôn có sự tham gia, giám sát của hơn 30 hộ dân thuộc các xã Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Lập… của huyện miền núi Hướng Hóa.
Các hộ dân trên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau này người dân địa phương sẽ chủ động hơn khi đơn vị chuyển giao kỹ thuật trồng nếu mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù thành công, sẽ là hướng phát triển mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.

Tin cùng chuyên mục