Sẵn sàng trên mọi trận tuyến

Bước chân vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an TPHCM đã chuẩn bị sẵn tâm lý có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Thế nhưng, mỗi khi chứng kiến đồng đội vì nhiệm vụ mà nhiễm phải loại virus này, khó ai tránh khỏi xúc động.

Thượng úy Mai Tấn Lực - Cảnh sát khu vực xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM, chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng gặp Lực ngoài đời, có lẽ ít ai nghĩ rằng anh cảnh sát khu vực có làn da đen rám nắng, nét mặt nghiêm nghị này lại… nhỏ tuổi đến vậy. Những vất vả trong công việc của một người cán bộ công an đã khiến anh già dặn cả về ngoại hình lẫn trong suy nghĩ.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát Nhân dân chuyên ngành CSKV năm 2011, đồng chí Lực được phân công công tác tại một số đơn vị. Đến giữa năm 2016, anh được điều chuyển về làm cảnh sát khu vực tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Khu tái định cư 30ha Vĩnh Lộc B là nơi anh phụ trách trong suốt 5 năm qua. Khu vực này có quy mô 45 block, tuy nhiên chỉ có 22 block là có người ở (bao gồm 738 hộ và 3.256 nhân khẩu), trong khi những block còn lại đã bị bỏ hoang nhiều năm. Người dân sinh sống tại đây đa phần là các hộ nằm trong diện bị giải tỏa do nhà gần kênh rạch. Họ chủ yếu là lao động tự do, kinh tế khó khăn nên khi dịch bệnh bùng phát, công việc ngưng trệ, cuộc sống càng chật vật.

Cuối tháng 6-2021, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM vượt mốc hơn 100 ca/ngày, cuộc chiến chống lại loại virus nguy hiểm và đáng sợ này được xác định là đang ở một thời điểm đầy cam go, quyết liệt. Chỉ tính riêng tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B đã có đến 4 điểm phong tỏa.

Sẵn sàng trên mọi trận tuyến ảnh 1 Thượng uý Lực đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: BẢO TRÂN 

Để kịp thời ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, TPHCM đã quyết định sử dụng những block bỏ trống của Khu tái định cư 30 ha Vĩnh Lộc B thành lập Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4.

Biết rằng có thêm 1 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 là thêm cơ hội để những người không may nhiễm bệnh được chăm sóc sức khỏe kịp thời, tuy nhiên, việc đưa những người nhiễm Covid-19 vào khu tái định cư điều trị đã khiến cho không ít hộ dân đang sinh sống tại đây, vốn đã túng quẫn vì dịch bệnh càng thêm hoang mang, lo lắng.

Thấu hiểu những tâm tư của người dân, đồng chí Lực với trách nhiệm và uy tín của mình đã chủ động giải thích để người dân hiểu về chủ trương của TPHCM cũng như ý nghĩa của việc thành lập bệnh viện dã chiến.

Mặt khác, anh chủ động đóng góp và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ hơn 300 phần quà thiết yếu (gồm 1,5 tấn gạo, 500kg rau củ; 3.000 quả trứng) gửi đến các hộ dân trong địa bàn, giúp họ đảm bảo cái ăn, cái mặc để an tâm cùng chính quyền phòng chống dịch bệnh.

Đầu tháng 7-2021, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 đi vào hoạt động, Thượng uý Lực gần như làm việc không ngơi nghỉ. Với vai trò là người chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ an toàn bệnh viện dã chiến, anh đã tạm biệt gia đình dọn vào ở hẳn trong bệnh viện để cùng anh em đơn vị đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát 24/24 tại 6 chốt ra vào bệnh viện cũng như kịp thời xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ.

Bệnh viện dã chiến có hàng trăm lượt người ra vào mỗi ngày, việc tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong mấy tháng ròng rã đã khiến anh bị nhiễm bệnh lúc nào không hay biết.

Ngày 28-8, trong lần xét nghiệm định kỳ dành cho cán bộ làm nhiệm vụ, anh nhận được kết quả dương tính với Covid-19 và hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Dù phải tạm ngưng công việc để bước vào cuộc chiến mới nhưng những đóng góp của đồng chí Lực thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của người Công an nhân dân: không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cống hiến của mình, anh sẽ sớm hồi phục để tiếp tục phục vụ nhân dân.

Tin cùng chuyên mục