San sẻ yêu thương cùng người nghèo

Sẻ chia của Nhóm thiện nguyện Vĩnh Đào (thành viên là sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng) đã trở nên quen thuộc với người lao động nghèo ở Đà Nẵng. Mỗi suất ăn không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng tấm lòng thơm thảo của các bạn trẻ dành cho các cô, các chú lao công, bán vé số… 
Suất ăn khuya được các bạn trao tận tay người lao động nghèo mưu sinh trên phố
Suất ăn khuya được các bạn trao tận tay người lao động nghèo mưu sinh trên phố

Những bữa khuya trên phố

Đều đặn hàng tuần, cứ đến tối thứ sáu, các thành viên Nhóm thiện nguyện Vĩnh Đào lại tập trung về số nhà 117/10 Ngô Gia Tự (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để nấu nướng, chuẩn bị những suất ăn khuya cho người lao động nghèo trên phố. Trong ngôi nhà nhỏ chừng 20m2, hơn 30 bạn trẻ quây quần cùng nhau chế biến thức ăn. Nhóm gọt củ quả, nhóm sơ chế thực phẩm tươi sống, nhóm thì bắt nồi hầm xương chuẩn bị nấu súp… 8 giờ tối, khi các suất ăn đã được đóng gói, các bạn chia thành 3 nhóm tỏa đi khắp các tuyến phố để gửi tặng những phần ăn khuya đến các cô chú bán vé số, lao công, các cụ già đi nhặt ve chai.

Nhận hộp súp nóng hổi từ tay các bạn trẻ, bà Trần Thị Nhung bộc bạch: “Cảm ơn các cháu rất nhiều. Nhờ có phần ăn tối này mà tôi tiết kiệm được thêm ít tiền để trang trải thuốc thang”. Bà Nhung năm nay đã 65 tuổi. Hơn 30 năm qua, tối nào bà cũng ra chợ Cồn để nhặt bao ni lông, chai nhựa bán phế liệu, kiếm tiền lo cho gia đình.  

Kể về những khó khăn trong hành trình sẻ chia với người lao động nghèo, người khó khăn, bạn Đào Văn Vĩnh (27 tuổi, trưởng nhóm) cho biết, có những đợt nguồn quỹ hạn chế nên chỉ nấu được vài chục suất ăn, không đủ để phân phát cho mọi người. Có hôm nấu được nhiều thì trời lại mưa, thế là các bạn đội mưa đi đến từng địa điểm để phân phát. “Dù thế nào thì mình cũng cố gắng duy trì bữa ăn cho các cô chú lao động nghèo. Các cô chú cũng như ba mẹ mình, vì hoàn cảnh nên họ phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Vì vậy mình muốn làm một điều gì đó để động viên, chia sẻ với họ”, Vĩnh tâm sự. 

Quán cơm 2.000 đồng

Từ những suất ăn khuya trên phố, Vĩnh tiếp tục tìm bạn đồng hành để mở quán cơm trưa phục vụ người lao động nghèo. Đồng sáng lập và lên ý tưởng mở quán cơm với Vĩnh là bạn Nguyễn Ngọc Hà (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

Chia sẻ về ý tưởng mở quán cơm của mình, Hà bộc bạch: “Lúc đó mình cũng muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ người nghèo. May mắn được một người bạn giới thiệu đến gặp anh Vĩnh. Hai anh em chung ý tưởng nên mọi kế hoạch được triển khai rất thuận lợi”. 

Vừa soạn cà rốt, bí đỏ từ trong bao ra để chuẩn bị nấu phục vụ bữa trưa, Hà vừa chia sẻ, mỗi ngày các bạn đều họp lại để lên thực đơn, tự đi chợ chọn mua những sản phẩm tươi, sạch. Nguồn quỹ để duy trì các suất ăn khuya và quán cơm một phần từ việc bán trái bơ, bán khoai lang mà các bạn trong nhóm về tận những vùng quê mua mang ra Đà Nẵng; một phần khác là từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tiểu thương ở chợ. Hà cho biết: “Các bạn đi chợ hoài nên các cô tiểu thương ai cũng biết. Có khi các cô nửa bán nửa cho, có khi tặng thêm bịch gạo, bịch muối”.

Giải thích về giá mỗi suất cơm, Hà trải lòng: “Lúc đầu tụi mình định sẽ phát cơm miễn phí. Nhưng sau đó thì mình nghĩ bán với giá 2.000 đồng để các cô chú thoải mái hơn khi đến mua cơm, không ngại ngần. Mọi người đến mua trả 2.000 đồng cho phần cơm của mình cũng được, không trả cũng không sao”. 

Đúng 11 giờ trưa, các món ăn được các bạn bày biện sạch sẽ, gọn gàng trong tủ kính. Hàng chục hộp cơm cũng đã sẵn sàng để đi tặng cho các cô chú lao động ở xa, không có điều kiện đến quán. Là một trong những “khách hàng” quen của quán, anh Dương Thanh Vinh (34 tuổi, bán vé số dạo) hôm nào cũng đến mua cơm. Bị câm điếc từ nhỏ nên khi được các bạn ra dấu hỏi cơm ngon không, anh Vinh vui vẻ gật đầu và viết ra giấy: “Ngon lắm, ngon lắm”. 

Nhắc đến những kỷ niệm vui ở quán ăn, các bạn tình nguyện viên đều cùng một câu trả lời: “Vui nhất là khi thấy các cô chú ăn những món ăn do mình nấu, nhìn các cô chú vui thì mình cũng vui theo, quên đi cái mệt mà tiếp tục cố gắng”.

Tin cùng chuyên mục