Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá


Trong 10 tháng năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM tương đối ổn định. 
 Nhóm sản phẩm cơ khí nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của TPHCM được kỳ vọng có thể chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu
Nhóm sản phẩm cơ khí nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của TPHCM được kỳ vọng có thể chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng năm 2018 ước tăng 7,85%. Riêng ngành cơ khí và điện tử tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng.

Đối với ngành cơ khí, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2018 ước tăng 8,35% (cùng kỳ năm trước tăng 6,52%). Ngành cơ khí tiếp tục có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung toàn ngành, do sự tăng trưởng khá cao của ngành sản xuất thiết bị điện tăng 16,6%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,35% và sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,39%...

Với ngành sản xuất hàng điện tử, chỉ số sản xuất 10 tháng tiếp tục tăng khá (17,29%) do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 10 tháng ước đạt 7,94 tỷ USD, tăng 17,6% so cùng kỳ, chiếm 30,78% trong kim ngạch xuất khẩu (không kể giá trị dầu thô).

Theo đánh giá từ Sở Công thương TPHCM, thời gian qua, một số DN trong ngành cơ khí và điện tử đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, cho biết hiện trung tâm này đang tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho các DN CNHT trên địa bàn thông qua nhiều chương trình: đào tạo DN phát triển bền vững (SCORE), đào tạo DN phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam của Samsung, chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt, thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế/Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức. 

Cùng với đó, thời gian qua, TPHCM đã tích cực hỗ trợ các DN CNHT thông qua việc rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa, với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp; thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối DN - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - CNHT.

Tin cùng chuyên mục