Sản xuất kiểu cũ, nông sản chưa đủ “sạch”

Sản xuất theo chuẩn VietGAP hay GlobalGAP đang là xu hướng khi xã hội ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm; thế nhưng, do sự kết nối chưa đồng bộ nên vẫn còn không ít nông sản chưa đủ an toàn do sản xuất theo tập quán cũ (còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh…).
Sản xuất nông sản an toàn tại một trang trại
Sản xuất nông sản an toàn tại một trang trại

Bài toán kết nối thị trường

Vấn đề sản xuất nông sản an toàn nói chung hay riêng về rau an toàn được bàn luận tại các cuộc họp, hội nghị để mổ xẻ và vấn đề hiện nay không phải là kỹ thuật mà là bài toán kết nối thị trường giữa người sản xuất đến người tiêu dùng sao cho liên thông. Bài toán này chưa có đáp án và đó là lý do một bộ phận nông hộ nhỏ lẻ tiếp tục sản xuất theo tập quán cũ, trong khi vẫn còn người tiêu dùng chọn sự tiện dụng trong mua sắm (dừng xe mua ngay vỉa hè) do giá rẻ, thay vì tìm đến các điểm bán nông sản an toàn.

Theo đại diện một hợp tác xã ở ngoại thành TPHCM,  hợp tác xã có nhận đơn hàng cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP từ các siêu thị, nhà hàng, nhưng vì mua với số lượng có hạn nên không thể tiêu thụ hết sản lượng nông dân làm ra. Vì lẽ đó, hợp tác xã ký hợp đồng chỉ bao tiêu một ít với mỗi hộ nông dân, số lượng còn lại bà con tự bán ra thị trường với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VietGAP, không an toàn. 
Hơn nữa, sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP đòi hỏi người trồng thực hiện nghiêm túc nhiều công đoạn để sản phẩm không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tốn nhiều công sức hơn, giá thành lại cao nên khó bán và đôi khi phải bán bằng với giá rau trồng bình thường. Đây là điều khiến không ít người trồng vẫn tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ.

Tương tự, trái cây sản xuất theo kiểu cũ không đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đáp ứng các thị trường khó tính. Theo một công ty xuất khẩu, để có sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, công ty phải xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng ứng tiền trước để nông dân sản xuất “sạch”. Phần lớn nông dân vẫn mua phân chuồng (tươi) chưa ủ hay ủ không đúng cách về bón cho cây, nên khi thu hoạch trái vẫn còn dư lượng kháng sinh. Những sản phẩm này đa số chỉ tiêu dùng nội địa hay xuất khẩu sang thị trường dễ tính.

Vừa qua, trong một cuộc họp đối thoại về chính sách an toàn thực phẩm do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhiều nông dân đề nghị nhà nước cần có quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn nữa. Theo ông Mai Văn Chiến (nông dân huyện Củ Chi, TPHCM), thực tế nông dân bán rau “kèm (dư lượng) thuốc” vẫn còn. Nguyên nhân do còn một  bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thích nông sản có mẫu mã đẹp, bắt mắt… chỉ có ở nông sản bị lạm dụng thuốc trừ sâu. Một đề xuất khác, cần tuyên truyền người tiêu dùng hiểu đúng về nông sản an toàn và tẩy chay thực phẩm bẩn. Nông dân muốn sản xuất sạch, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và môi trường, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhưng nếu không kết nối được giữa nơi cần bán và người cần mua thì khó có thể sản xuất ổn định lâu dài. Nếu người tiêu dùng vẫn thích mua rau bán vỉa hè (chênh lệch với rau siêu thị) sẽ khó thúc đẩy phát triển sản phẩm an toàn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần có quy định và lộ trình để tiến tới giai đoạn chỉ sản phẩm sản xuất theo chuẩn VietGAP hay GlobalGAP mới được đưa ra thị trường. Lộ trình này sẽ công bố rộng rãi để người sản xuất biết và có thời gian chuẩn bị. 
 
Cần có thưởng - phạt

Trong cuộc họp đối thoại về chính sách an toàn thực phẩm, Sở NN-PTNT TPHCM cho hay, TP có chính sách hỗ trợ lấy mẫu đất, nước hoàn toàn miễn phí để giúp nông dân nhận biết sản xuất sạch, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu… “Có một nghịch lý, sản phẩm được nhiều người bán “tự phong” nhà trồng theo hướng hữu cơ với giá bán rất cao nhưng vẫn có người mua, thậm chí không đủ cung cấp. Điều này chứng tỏ, nhu cầu “sạch” vẫn nhiều, nhưng do nông dân chưa biết làm thương hiệu. Bản thân nông dân cần phải minh bạch vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu và cần liên kết với các chuỗi thực phẩm an toàn”, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho hay.

Về góc độ chuyên môn, ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, chia sẻ sử dụng phân chuồng (động vật) tươi theo hướng hữu cơ là tốt cho môi trường, đó là cách làm đang được nhiều nước áp dụng. Nhưng nông dân Việt Nam cần phải làm theo quy trình khoa học từ ủ hoai đúng nhiệt độ và thời gian mới cho ra phân chuồng chất lượng tốt… Ngoài ra, sản phẩm an toàn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như đất, nước, không khí… Theo Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, bón phân chuồng trực tiếp dễ có mầm bệnh làm chết cây, gây ảnh hưởng trực tiếp lên sản phẩm như rau, trái. Phân chuồng muốn tốt phải ủ hoai ở nhiệt độ cao để làm chết vi sinh có hại. Nếu không đúng quy trình, phân chuồng có mùi hôi khó chịu, vô tình làm môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cây trồng và sản phẩm. Hiện nay, quy định về mua bán phân chuồng vẫn khó quản lý. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ bán phân chuồng cho nông dân không có giấy phép hay căn cứ theo tiêu chuẩn chất lượng nào là tình trạng phổ biến.

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay, công tác tuyên truyền, khuyến cáo, quy hoạch vùng trồng ở các địa phương chưa tương xứng nên vẫn còn sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Từ năm 2012 đã có đề án các tỉnh thành phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng địa phương làm tốt cũng không được khen, địa phương làm không tốt cũng không thấy phê bình nên việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực hiện được. Do đó, Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách khen thưởng cho những điểm sáng để nhân rộng nhiều mô hình.

Tin cùng chuyên mục