Sáng kiến đẩy nhanh tiến độ lưới điện truyền tải

Kỹ sư Bùi Đức Thịnh, Phó Trưởng phòng Đầu tư xây dựng - Công ty Truyền tải điện 4, đã có những giải pháp, sáng kiến góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng đường dây truyền tải và trạm biến áp. Từ những kết quả này, Công ty PTC4 đã cung cấp điện ổn định, góp phần phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Đầu năm 2017, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) giao Công ty Truyền tải điện 4 lắp đặt các tụ bù ngang trên lưới điện truyền tải 5 trạm biến áp 220kV Xuân Lộc (Đồng Nai), Mỹ Phước (Bình Dương), Tây Ninh, Long An và Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Việc này nhằm nâng cao chất lượng điện áp, ổn định hệ thống điện cũng như giảm tổn thất điện năng cho khu vực miền Nam. Trong lúc Công ty Truyền tải điện 4 nỗ lực triển khai dự án thì ở các cảng biển châu Âu xảy ra những cuộc đình công.

Vì vậy, các thiết bị (máy cắt) đã được đặt hàng từ trước đã không kịp vận chuyển từ Thụy Điển về Việt Nam. Công ty Truyền tải điện 4 đứng trước nguy cơ toàn bộ dự án bị “neo” lại, làm ảnh hưởng đến 8 tụ bù tại các trạm biến áp trên, ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án.

Lúc này, kỹ sư Bùi Đức Thịnh phối hợp với các đồng nghiệp trong đơn vị tìm nguồn thiết bị mới để… mượn sử dụng tạm. Qua khảo sát, anh Thịnh đề xuất mượn 5 máy cắt thuộc một dự án khác trong ngành.

Mặc dù các thiết bị mượn tạm này có những điểm tương thích, nhưng do được thiết kế đặc thù cho từng dự án nên cần phải hiệu chỉnh một số chi tiết cho phù hợp.

Sáng kiến đẩy nhanh tiến độ lưới điện truyền tải ảnh 1 Kỹ sư Bùi Đức Thịnh (đứng thứ 3, từ phải qua) giám sát thao tác đóng điện tại máy biến áp 500kV - 900MVA trạm 500kV Tân Định
“Với kinh nghiệm nhiều năm thi công, vận hành hệ thống điện, việc đưa ra giải pháp điều chỉnh máy cắt cho phù hợp với nhu cầu mượn tạm là không quá khó khăn”, anh Thịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc điều chỉnh này không làm thay đổi đặc tính, thông số kỹ thuật của thiết bị. Do đó, sau khi được chấp thuận cho mượn tạm, anh Thịnh cùng phối hợp nghiên cứu các tài liệu của nhà sản xuất và thực hiện việc điều chỉnh một số điểm như mạch đóng/cắt, điều chỉnh khối lượng cáp… mà vẫn không vi phạm điều kiện bảo hành thiết bị.

Sau khi điều chỉnh, 5 máy cắt mượn tạm được lắp đặt và đóng điện, đưa vào vận hành 5 dàn tụ bù tại 3 khu vực khác nhau, gồm Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Phước (Bình Dương) và Tây Ninh.

Các dàn tụ bù được đưa vào khai thác đã góp phần nâng cao chất lượng điện áp tại các khu vực nêu trên.

Trong đó, 2 dàn tụ bù tại trạm biến áp 220kV Mỹ Phước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho các khu công nghiệp lớn của Bình Dương như VSIP, VSIP2A, VSIP2B, Sóng Thần, Sóng Thần 2, Sóng Thần 3, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3… và một phần phụ tải sinh hoạt của tỉnh Bình Dương. Cùng đó, việc hoàn thành lắp đặt các tụ bù này cũng góp phần đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải khu vực miền Nam.

Về giá trị làm lợi do giảm tổn thất điện năng, chỉ tính riêng khi đóng 2 dàn tụ bù tại trạm biến áp 220kV Mỹ Phước đã mang lại giá trị gần 12,5 tỷ đồng/năm vận hành.

Một sáng kiến khác tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội lớn được thực hiện ở dự án thay máy biến áp tại trạm biến áp 500kV Phú Lâm. Ở dự án này, anh Thịnh đã đề xuất giải pháp đúc trước 2/3 số lượng đoạn cọc bê tông cốt thép (142/213 đoạn) đại trà ngay sau khi ép cọc thử.

Qua đó, thời gian thi công 6 móng biến áp đã được rút ngắn 50 ngày, đáp ứng yêu cầu lắp đặt thiết bị, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình, nhưng không làm phát sinh chi phí.

Giải pháp nêu trên của anh Thịnh đã góp phần giúp dự án hoàn thành sớm 3 tháng so với tiến độ ban đầu, làm lợi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với doanh thu trên 50 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án còn giúp công suất trạm biến áp 500kV Phú Lâm tăng thêm, giải quyết được tình trạng quá tải, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và khu vực lân cận.

Kỹ sư Bùi Đức Thịnh khẳng định, việc đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tăng cường công suất các trạm biến áp, tăng cường khả năng tải điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành.

Đặc biệt, trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và thiết bị. Chính từ những yêu cầu này đã thôi thúc anh Thịnh và đồng nghiệp không ngừng có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng với việc tích cực có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh Thịnh cũng tham gia đào tạo, bồi dưỡng các đồng nghiệp trẻ, góp phần cho “ra lò” những kỹ sư được phân công đảm trách những vị trí quan trọng ở các đơn vị.

Ông Bùi Quang Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 4, nhận xét trong quá trình công tác tại đơn vị, kỹ sư Bùi Đức Thịnh trực tiếp tham gia, có nhiều sáng kiến, giải pháp đóng góp cho công tác quản lý, vận hành, sửa chữa và đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, mang lại giá trị nhiều tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục