Sáng kiến tiết kiệm cho ngân sách

Thời gian qua, hoạt động xe buýt ở TPHCM hướng tới việc nâng chất lượng phục vụ nhằm thu hút người dân, nhưng vẫn giảm được chi phí trợ giá từ ngân sách.
Đảng viên trẻ Đồng Thị Hoài Phương
Đảng viên trẻ Đồng Thị Hoài Phương
 Những thay đổi đáng kể đó có nguyên nhân lớn từ sự nỗ lực của đội ngũ quản lý, điều hành hoạt động xe buýt trên địa bàn. Trong đó, không thể không nhắc đến Thạc sĩ Tổ chức và Quản lý vận tải Đồng Thị Hoài Phương (29 tuổi), hiện là chuyên viên Phòng Kế hoạch đầu tư của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM. Được phân công mảng hoạt động đưa rước công nhân có trợ giá từ năm 2012, chị Phương nhận thấy sự bất cập trong công tác quản lý đối với hoạt động này. Cụ thể, xe buýt thường có những sự thay đổi về phương tiện, lộ trình hoạt động trong thực tế. Tuy vậy, trung tâm chưa có công cụ hỗ trợ để quản lý, giám sát được, mà chỉ dựa vào bảng xác nhận của các doanh nghiệp vận tải để quyết toán tiền trợ giá. Chính việc không có căn cứ, cơ sở khác để đối soát, kiểm chứng nên rất dễ dẫn đến thất thoát tiền trợ giá xe buýt.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, việc chị Phương cùng một số thành viên nghiên cứu, viết ra phần mềm quản lý đã giúp trung tâm tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng (chi phí thuê công ty viết phần mềm). Sáng kiến này đã được Hội đồng xét, công nhận giải pháp, sáng kiến Sở Giao thông - Vận tải thông qua vào giữa năm 2016.
Từ trăn trở trên, chị Phương cùng một số thành viên khác đã nghiên cứu giải pháp quản lý loại hình đưa rước công nhân. Từ cuối năm 2013, nhóm tiến hành xây dựng hệ thống quản lý, vận hành thử nghiệm và hoàn thiện các quy trình xử lý tình huống. Đến tháng 8-2015, giải pháp này được áp dụng thử nghiệm trên toàn bộ 57 tuyến xe buýt đưa rước công nhân có trợ giá. Với phần mềm quản lý tập hợp được dữ liệu của tất cả xe buýt, doanh nghiệp vận tải và trung tâm đã quản lý số chuyến vận chuyển chính xác, hiệu quả hơn và “cắt” được việc thất thoát tiền trợ giá. Giải pháp này còn sử dụng lệnh vận chuyển điện tử nên giúp trung tâm giảm được 90% chi phí lưu kho (720 triệu đồng/năm); đồng thời, qua cắt giảm việc cử người đi lại nộp lệnh vận chuyển, báo cáo đã tiết kiệm ước tính gần 380 triệu đồng/năm cho các doanh nghiệp xe buýt. Cũng trong năm 2016, chị Phương còn tham gia sáng kiến triển khai đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt của TPHCM. “Tôi cùng một số thành viên của đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết đề án thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt đang hoạt động ở 10 tuyến có trợ giá điển hình. Qua đó đã tổ chức thành công việc đấu giá quảng cáo với tổng giá trị trúng thầu hơn 14,6 tỷ đồng (tăng hơn 4,3 tỷ đồng so với giá trị phê duyệt đơn giá đấu thầu)”, chị Phương kể lại. Một lãnh đạo của trung tâm cho biết thêm, việc thí điểm quảng cáo trên xe buýt là để tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá xe buýt từ ngân sách TP, góp phần cải thiện hình ảnh xe buýt với những màu sắc sinh động, phù hợp với văn hóa đô thị và thu hút người dân. Từ đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Từ thành công của đề án thí điểm, UBND TP đã cho phép mở rộng quảng cáo trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá còn lại. Chị Phương chia sẻ: “Qua 6 năm công tác trong ngành vận tải hành khách công cộng, tôi luôn nhắc nhở mình về tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc, thái độ phục vụ người dân… Hơn thế, là một đảng viên trẻ, tôi nỗ lực trao dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong cuộc sống và thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện…”. Với những thành tích trên, chị Đồng Thị Hoài Phương vừa được Thành ủy TPHCM trao tặng bằng khen vì thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016-2017).

Tin cùng chuyên mục