Sáng ngời màu áo blouse trắng

Sáng ngời màu áo blouse trắng

Năm 1998, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình nghỉ hưu với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115.  Không yên hưởng tuổi già, an nhàn bên con cháu, bác sĩ Bình tiếp tục dấn thân vào một nhiệm vụ mới giúp đỡ trẻ khuyết tật, trẻ là nạn nhân chất độc da cam.

Khi nghĩ đến những đứa trẻ sinh ra trong hình hài dị dạng, chân tay co quắp, mù lòa, câm điếc, ngô nghê, thậm chí không có tay chân, do di chứng của chất độc da cam-dioxin để lại, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội, bác sĩ Bình cảm thấy mình phải làm điều gì đó.

Vì thế khi vừa nghỉ hưu, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình đã lập tức kêu gọi được nhiều bác sĩ, dược sĩ, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, cùng chung sức thành lập Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM để chung tay làm gì đó cho cộng đồng. Tuy nhiều người tuổi cao sức yếu, nhưng trước việc làm phục vụ nhân dân là trên hết nên ai cũng tham gia nhiệt tình.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Bình - Trưởng đoàn Thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM khám bệnh cho bà con vùng sâu

Hầu khắp các tỉnh thành miền Trung, miền Đông, miền Tây, kể cả nhiều tỉnh bên nước bạn Campuchia, bà con đã quá quen thuộc và quý mến với Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM do đại tá - bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quốc Bình làm trưởng đoàn. Đoàn đã đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà, tặng xe lăn, phẫu thuật mắt cho người mù nghèo, xây cầu giao thông nông thôn, khoan giếng nước, bếp ăn tình thương cho sinh viên - học sinh, bệnh nhân và người lao động nghèo; tặng quần áo mới, tập vở, xe đạp, học bổng ngày khai trường cho học sinh vùng sâu, vùng xa, (xây nhà tình thương)… Qua gần 10 năm hoạt động bền bỉ, đoàn Thầy thuốc đã tình nguyện vận động các nhà hảo tâm giúp người nghèo tổng số tiền và vật chất trị giá hơn 24 tỷ đồng  

Nhớ lại thời kỳ từ năm 1961 đến 1975, ông được điều động về mặt trận miền Đông phụ trách trường Y tá khu B - Đồng Rùm Tây Ninh, sau đó được giao đảm trách Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật thực hành của Trường Bác sĩ Quân Y (H24 A).

Vừa giảng dạy vừa tham gia phẫu thuật ở các bệnh viện trong thời kỳ chiến tranh, có những đêm ông thức trắng, vì những trường hợp thương binh nặng đã không qua khỏi, bởi quá thiếu thốn y cụ cũng như thuốc men. Nước mắt ông đã rơi khi chứng kiến những anh hùng liệt sĩ hy sinh còn quá trẻ. Những đêm nghe thương binh rên xiết đau đớn vì vết thương chiến tranh hành hạ, bác sĩ Bình càng thấy lòng mình quặn thắt. Do trong chiến tranh không có mô hình học cụ y khoa để phục vụ việc giảng dạy trong điều trị thương binh, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình đã nghiên cứu tự làm hàng trăm mô hình, giúp học viên dễ dàng nhận biết các bộ phận trong cơ thể người. Không còn cách nào khác, ông cùng các chiến sĩ đi vào rừng bắt khỉ, voọc về mổ hướng dẫn học viên giải phẫu. Ông đã nghiên cứu hàng chục loại phẫu thuật áp dụng mổ trên chó để các học viên, người trợ lý thực tập như: khâu lỗ thủng dạ dày, ruột, khâu gan, cắt lách, cắt ruột non, khâu nổi, cắt 2/3 dạ dày, khâu nối mạch máu, khâu nối dây thần kinh ngoại vi… Nhờ thực hành thực tế cộng với sự hướng dẫn tận tình của bác sĩ Bình, nhiều học trò của ông đã nhanh chóng trưởng thành.

Qua những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển ngành y nước nhà. Chính ông là người đầu tiên thực hiện thành công khâu nối mạch máu trong chiến tranh theo kỹ thuật Alexis Carrel ở chiến trường miền Nam (được Giáo sư Trương Công Trung học ở Liên Xô đưa về áp dụng tại Việt Nam). Sau một thời gian tổng kết, việc cưa cắt chân tay, tỷ lệ tử vong do vết thương mạch máu giảm rõ rệt.

Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình là Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật thực hành của trường Bác sĩ Quân Y, Chủ nhiệm bộ môn lâm sàn ngoại và Phó Chỉ huy phân hiệu II trưởng học viện Quân Y. Được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 kiêm Phó Hiệu trưởng Trung tâm đào tạo Cán bộ Y tế (về sau là Đại học Phạm Ngọc Thạch), đại tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Bình vừa tham gia công tác giảng dạy để ứng dụng điều trị và nghiên cứu khoa học. Ông mong mỏi truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn chiến tranh mà ông đã trải qua, để đào tạo nên những bác sĩ giỏi phục vụ nhân dân. Ông đã mổ hướng dẫn sinh viên thực tập trên 3.000 ca trung, đại phẫu ngoại tổng quát tại các bệnh viện lớn trong cả nước.

Nghiên cứu một số vấn đề để phục vụ thực hiện ghép thận trên người có kết quả tốt, bác sĩ CK2 Nguyễn Quốc Bình được nhận bằng khen và giải thưởng VIFOTEC của Hội đồng thi đua Quốc gia về đề tài nghiên cứu một số khía cạnh về ghép thận để phục vụ ghép thận trên người. Năm 1998 ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh công trình ghép thận thực nghiệm. Năm 1995, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình vinh dự nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú. Một đảng viên với 56 tuổi đảng, luôn mẫu mực học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Đại tá - bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quốc Bình - cả đời đã khoác trên người chiếc áo blouse trắng sáng ngời đạo đức của một đảng viên, một thầy thuốc của nhân dân.

Ngân Minh

Tin cùng chuyên mục