Sang Nhật học… làm giàu

Thời gian qua có rất nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp kéo nhau sang xứ sở “mặt trời mọc” để học làm giàu. Họ ra đi với thân phận của người làm thuê, nhưng hành trang khi trở về là giấc mơ “làm chủ”. Câu chuyện xuất khẩu lao động ở đất sen hồng Đồng Tháp đã tạo bước đột phá ngoạn mục, giúp nhiều hộ vươn lên khá giả… 

Thổi luồng gió mới vào vùng nông thôn

Những ngày cuối năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung khẩn trương chuẩn bị nhà cửa khang trang để đón Tết Kỷ Hợi sung túc, đầm ấm.

Chị Hiền tâm sự: “Vợ chồng tôi sống ở nông thôn nên dựa vào nông nghiệp là chính. Gia đình đất ruộng không nhiều, vì vậy phải làm thuê thêm nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Trong lúc đau đầu tìm hướng thoát nghèo, thì được chính quyền địa phương vận động cho con  trai lớn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Thấy đây là hướng đi triển vọng, nên gia đình đăng ký tham gia. Sau thời gian học nghề, học tiếng Nhật… cuối năm 2017, con trai tôi sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực sản xuất gỗ, với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định, thu nhập cao, nên kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt, không còn chạy vạy lo tiền như trước…”.

Cùng niềm vui trên, ông Nguyễn Văn Nguyên, ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, cho biết: “Bà con nông thôn chuyên trồng lúa, rau màu năm trúng năm thất; trong khi cây có múi bị ảnh hưởng dịch bệnh nên khó làm giàu. Giải pháp phát triển kinh tế được chính quyền đưa ra với mô hình xuất khẩu lao động ở Nhật Bản có thu nhập cao, đã thật sự như chiếc phao cứu cánh cho nhiều hộ. Bản thân gia đình tôi “đổi đời”, xây được nhà kiên cố, cũng từ việc cho con em đi xuất khẩu lao động”.  

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Lai Vung, sau mấy năm xuất khẩu lao động đã thổi vào các vùng nông thôn một luồng gió mới. Thực tế cho thấy đã có hàng chục căn nhà tường khang trang được xây mới từ nguồn tiền lao động nước ngoài gửi về; nhiều hộ từ khó khăn, giờ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn huyện Lai Vung có tới 261 người đi xuất khẩu lao động, trong khi chỉ tiêu trên giao là 99 người. 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (bìa phải), trao đổi với các ngành, đơn vị… về xuất khẩu lao động của tỉnh.
Tại huyện Tháp Mười, phong trào xuất khẩu lao động cũng phát triển rầm rộ. Ông Lê Văn Thương, ở xã Đốc Binh Kiều, phấn khích: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con có bằng y sĩ, trung cấp dược và đang có việc làm. Thế nhưng, thấy việc sang đất nước mặt trời mọc làm việc kiếm được nhiều tiền hơn, nên cả 2 đăng ký đi. Ban đầu, tôi cũng lo vì chẳng biết ở xứ người làm việc có thuận lợi không. Nhưng rồi mọi việc rất ổn, ngoài thu nhập cao, 2 cháu còn học hỏi thêm những cái hay, cái mới bổ ích ở Nhật Bản".

Hiện tại, bình quân mỗi tháng vợ chồng ông Thương được các con gửi về khoảng 40 triệu đồng, số tiền mà nếu ở nông thôn Tháp Mười sẽ khó kiếm được… 

Đi làm thuê, về làm chủ

Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chủ trương mang tầm quốc gia. Và Đồng Tháp đang đẩy mạnh chương trình này, bước đầu đạt được những kết quả khích lệ. Cần thấy rằng, đất đai không thể nở ra mà cứ teo tóp dần, trong khi con người thì sinh sôi. Do đó, xuất khẩu lao động là một trong những chương trình đột phá rất được tỉnh kỳ vọng.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Năm 2018, chỉ tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh là 1.000 người, kết quả đưa được 2.007 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó hơn 1.400 người đi Nhật Bản.

Ước tổng thu nhập mỗi tháng sau khi trừ các chi phí của 2.007 lao động đạt hàng chục tỷ đồng, số tiền khá lớn. Cái mới trong thời gian gần đây là Đồng Tháp tập trung đưa nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ về địa phương nhưng chưa có việc làm, được ưu tiên học nghề đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều bộ đội xuất ngũ khi tham gia làm việc ở nước ngoài có thu nhập khá cao, tích lũy gửi tiền về cho gia đình…”. 

Mới đây, khi gặp gỡ hơn 500 phụ huynh có con em đang làm việc tại Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan,  cho rằng: “Các em đi lao động nước ngoài không chỉ kiếm tiền mà cần trau dồi kỹ năng, kiến thức… để khi về nước kiếm tiền bền vững hơn. Cần xác định phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”, bởi những kiến thức học được từ các nước tiên tiến là rất bổ ích. Tuy nhiên, để thành công và bền vững rất cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và nhất là những người tham gia xuất khẩu lao động. Phía tỉnh sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lao động nước ngoài càng nhiều, vừa có việc làm, thu nhập ổn định”. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, để nguồn lao động ở Nhật Bản về nước tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có những chính sách, môi trường cho các em khởi nghiệp; ngoài ra có thể mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản về Đồng Tháp đầu tư. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi sang Việt Nam làm ăn họ rất thích tuyển dụng những lao động Đồng Tháp đã từng có thời gian làm việc ở xứ sở “mặt trời mọc”. 

Tin cùng chuyên mục