Câu chuyện chủ nhật

Sáng tác văn học với đề tài lịch sử

Trong đời sống văn học Việt Nam và thế giới, đề tài lịch sử luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà văn. Thực tế cho thấy có rất nhiều tác phẩm văn học viết về lịch sử đạt được những đỉnh cao về giá trị tư tưởng, nghệ thuật. Những năm gần đây, xu hướng viết về đề tài lịch sử của giới nhà văn tăng lên. Bạn đọc rất quan tâm, chú ý đến dòng văn học này. Sự thành công hay chưa thành công của những tác phẩm văn học viết về lịch sử Việt Nam trong thời gian qua đã và đang là vấn đề được giới học thuật và dư luận xã hội thảo luận ở nhiều quy mô khác nhau.

Ai cũng biết, sự thật là vấn đề của cuộc sống, chân thật là vấn đề của văn học nghệ thuật. “Chân thật” sẽ làm cho sự thật rõ ràng hơn về bản chất, về chiều sâu và tầm cao. Và ai cũng biết, văn học là sản phẩm văn hóa mang dấu ấn cá nhân, có tính mục đích. Không có tác phẩm văn học nào ra đời mà không có mục đích hướng tới. Mục đích là sự khởi đầu và xuyên suốt khi hoàn thành tác phẩm. Mục đích tạo cảm hứng và nuôi dưỡng cảm hứng. Người viết có thể viết trong vô thức nhưng luôn có ý thức về tác phẩm của mình. Ý thức ấy thường gọi là ý thức văn hóa. Dạng ý thức văn hóa này tiềm ẩn trong cảm hứng, trong lý trí. Đây là một yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo ra sản phẩm văn học có giá trị. Ý thức văn hóa giúp người viết điều chỉnh cảm hứng, phân định ranh giới giữa văn hóa và phản văn hóa, giữa lịch sử và phản lịch sử, giữa bình thường và tầm thường. Viết về lịch sử, ý thức văn hóa và sự thấu hiểu về văn hóa được coi là phần hồn của chuẩn mực chân thật. Nội hàm của giá trị văn hóa bao gồm cả giá trị tư tưởng nghệ thuật.

Văn hóa là một dòng chảy không ngừng nghỉ luôn song hành cùng đời sống con người. Văn hóa tạo nên lịch sử và lịch sử thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Mỗi thời điểm lịch sử đều có đặc thù văn hóa riêng. Văn hóa là chất sống, là tâm hồn lịch sử. Nếu không thấu hiểu bản sắc chung của dòng văn hóa dân tộc và không nắm bắt được những đường nét, màu sắc đặc trưng riêng của văn hóa từng thời kỳ thì không thể tái tạo lại đời sống của lịch sử một cách chân thật. Do vậy, nhiều người cho rằng khi viết về đề tài lịch sử, điều cần thiết đầu tiên là sự hiểu biết về văn hóa. Viết về lịch sử Việt Nam, có lẽ không nhà văn nào không quan tâm đến bản sắc văn hóa Việt Nam. Đấy là tinh thần tự trọng dân tộc, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “thương người như thể thương thân”. Xin lấy một nét văn hóa thờ cúng của người Việt làm cơ sở cho nhận thức. Từ xa xưa cho đến nay, người Việt rất coi trọng việc thờ cúng. Người Việt thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những anh hùng có công với nước, những người có công xây dựng đời sống ấm no. Trong dòng chảy của văn hóa Việt, tổ tiên nguồn cội và những anh hùng có công với nước với dân luôn song hành cùng người sống. Nói gọn lại, văn hóa Việt Nam là văn hóa tình nghĩa. Người viết về lịch sử cũng phải lấy tình nghĩa làm trọng.

Trong lịch sử luôn có vùng sáng, vùng tối. Do hoàn cảnh lịch sử, do điều kiện chữ viết nên có những giai đoạn lịch sử được ghi lại bằng văn bản chỉ dừng lại ở mức tóm tắt và kết quả, rất ít tư liệu cho người viết. Bởi vậy người viết không thể không bám vào dòng văn hóa dân gian. Dòng chảy của văn hóa dân gian luôn đầy ắp phù sa nuôi dưỡng sự sống của lịch sử. Văn hóa dân gian cũng góp phần làm sáng các vùng tối của lịch sử. Và khi nói đến giá trị của tác phẩm văn học viết về lịch sử, người ta thường nói đến “sức hấp dẫn của sự chân thật lịch sử”.

Cũng giống như văn học viết về đề tài tình yêu hay các loại đề tài khác, văn học viết về lịch sử hay hay không tùy thuộc vào độ chân thực. Người đọc hay người xem hiện tại tìm ra được cái lạ trong cái quen, cái quen trong cái lạ của sự tái tạo cuộc sống.

Lịch sử luôn hướng về tương lai. Hiện tại hôm nay là lịch sử ngày mai. Và, mỗi người đều phải có trách nhiệm với lịch sử.Việc ứng xử với lịch sử hôm nay ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai. Do vậy, viết về lịch sử là một công việc cực kỳ nghiêm túc, cực kỳ vất vả. Nó không chỉ đòi hỏi người viết ở tài năng sáng tạo mà còn rất cần đến sự hiện diện, sự chỉ dẫn của lương tâm, của tinh thần tự trọng dân tộc, của trách nhiệm với tương lai.

Tin cùng chuyên mục