Sáng tạo là trách nhiệm

Khi nhận tin đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2015, trong niềm vui bất ngờ, anh vẫn từ tốn hỏi lại: “Mình được giải sao?”. Anh Lê Đình Quân (34 tuổi, nhân viên Ban Công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn) là thế: Luôn bền bỉ làm việc, theo đuổi sự sáng tạo và tâm bất biến với các giải thưởng.
Sáng tạo là trách nhiệm

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015

Khi nhận tin đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2015, trong niềm vui bất ngờ, anh vẫn từ tốn hỏi lại: “Mình được giải sao?”. Anh Lê Đình Quân (34 tuổi, nhân viên Ban Công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn) là thế: Luôn bền bỉ làm việc, theo đuổi sự sáng tạo và tâm bất biến với các giải thưởng.

Bởi, anh Quân coi sáng tạo, làm tốt công việc, làm những gì hữu ích cho công ty, cho TPHCM là trách nhiệm tự nhiên của người lao động.

Vào công ty làm việc từ năm 2004, qua thực tế, anh Quân nhận ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý mạng lưới và sửa sự cố bể ống nước. Các tổ trưởng quản lý các quận, huyện phải tới công ty từ 6 giờ 30 hàng ngày, viết vào giấy từng địa chỉ có sự cố bể đường ống cấp nước rồi phân công mọi người thực hiện. Các khâu sau đó như báo cáo, quyết toán, hoàn công… đều làm thủ công. Tình trạng ngập trong công việc của đồng nghiệp gợi nhiều trăn trở với một người là dân công nghệ thông tin như anh.

Anh Lê Đình Quân (đứng) trao đổi với đồng nghiệp.

Năm 2008, Lê Đình Quân bắt tay nghiên cứu rút gọn và số hóa quy trình làm việc. Khi chương trình được áp dụng ở công ty, các khâu trong xử lý sự cố bể đều được số hóa, giúp các tổ trưởng thoát khỏi đống giấy tờ, có thêm nhiều thời gian kiểm tra thực tế và theo dõi anh em ngoài công trường. Công tác quản lý mạng lưới đường ống cấp nước được nhanh chóng, chính xác. Trên bình diện chung, công ty còn dễ dàng xác định được những tuyến ống cấp nước thường bị rò rỉ. Từ đó đánh giá được tình trạng của đường ống cấp nước trong khu vực để có hướng khắc phục và cải tạo. “Tôi đơn thuần là người học về công nghệ thông tin, không rành nhiều về chuyên ngành cấp nước. Chính sự hướng dẫn và ủng hộ tận tình của các đồng nghiệp đã giúp tôi hoàn thành đề tài, cũng là cách san sẻ bớt phần vất vả với anh em”, anh Quân tâm sự.

Tiếp đó, cùng công ty hợp lý hóa sản xuất kinh doanh, Lê Đình Quân xây dựng chương trình “Theo dõi thông báo khách hàng” và “Lập dự toán khách hàng”. Bằng chương trình này, các phòng, ban, đội có thể liên kết khai thác chung nguồn dữ liệu, giúp công tác quản lý khách hàng chính xác, tìm kiếm nhanh, tiết kiệm thời gian. Khi người dân có yêu cầu lắp đồng hồ nước, nhân viên công ty chỉ cần kiểm tra dữ liệu và có thể trả lời ngay là địa điểm đó lắp đặt được hay không, thay vì để người dân chờ đợi nhiều ngày như trước đây.

Là tác giả 2 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn, được doanh nghiệp công nhận và đánh giá cao, song Lê Đình Quân luôn khiêm tốn. Cho rằng “đào tạo” là to tát quá, anh Quân chỉ nhận là đã trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn kỹ thuật cho một số đồng nghiệp; 3 đồng nghiệp đã đạt lao động giỏi. Được công đoàn cơ sở thuyết phục, anh Quân mới mạnh dạn gửi hồ sơ dự giải thưởng Tôn Đức Thắng. Nộp hồ sơ xong, anh cũng không dành nhiều mối nghĩ ngợi tới kết quả.

Những ngày tháng 8-2015, vinh dự đã đến cùng nhiều cảm nhận mới mẻ. Anh Quân thổ lộ: “Đây thật sự là nguồn động lực giúp chúng tôi tiếp tục nỗ lực, làm việc tốt hơn”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục