Câu chuyện giáo dục

Sao lại miệt thị học sinh

Vừa đón con gái học lớp 8 ở trường học về, tôi nghe cháu phụng phịu với vẻ mệt mỏi: “Mẹ ơi con chán học môn toán lắm rồi!”. Cháu kể với giọng ấm ức: “Cứ bước vào lớp học là cô giáo dạy toán chê bai lớp con. Cô thường nói những câu khiến bọn con chán học như: tôi chán lớp này lắm rồi, đừng tưởng mang danh lớp chọn là các em học giỏi, so với các lớp khác còn thua xa…”. Đây không phải lần đầu con tôi tâm sự về chuyện chán học mà lý do bắt nguồn từ sự thiếu tâm lý của cô giáo.

Vừa đón con gái học lớp 8 ở trường học về, tôi nghe cháu phụng phịu với vẻ mệt mỏi: “Mẹ ơi con chán học môn toán lắm rồi!”. Cháu kể với giọng ấm ức: “Cứ bước vào lớp học là cô giáo dạy toán chê bai lớp con. Cô thường nói những câu khiến bọn con chán học như: tôi chán lớp này lắm rồi, đừng tưởng mang danh lớp chọn là các em học giỏi, so với các lớp khác còn thua xa…”. Đây không phải lần đầu con tôi tâm sự về chuyện chán học mà lý do bắt nguồn từ sự thiếu tâm lý của cô giáo.

Lẽ ra là người chủ động truyền lửa cho học sinh đam mê học môn toán - môn học toàn những con số khô khan thì cô giáo này thường xuyên có biểu hiện chê trách học sinh, không tin vào học trò của mình. Kết quả là phần đông học sinh ít hiểu bài giảng ngay trên lớp và điểm kiểm tra môn toán không cao. Khi bị học sinh và phụ huynh phản ứng, góp ý kiến về cách dạy quá nhanh, không theo sát trình độ học của các em thì cô giáo toán lại có biểu hiện “trù dập” và tăng ác cảm đối với lớp.

Một trường hợp khác, cháu tôi học lớp 11 ở một trường THPT ở trung tâm TPHCM cũng than phiền về thái độ miệt thị của giáo viên dạy môn hóa. Chẳng những bị học sinh gán cho biệt danh không hay. Cứ đến giờ học môn hóa là học sinh nào cũng sợ sệt, co mình như sắp bị tra tấn. Một lần không hoàn thành bài tập về nhà, cháu tôi bị cô chửi là “đồ ngu, dốt như bò… Bài tập dễ như vậy mà làm cũng không được thì về nhà chăn trâu cho rồi…”.

Điều đáng nói ở đây là nhận được những góp ý của phụ huynh lẫn học sinh nhưng ban giám hiệu nhà trường không quan tâm giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Một khi bị giáo viên bạo hành về tinh thần thì các em sẽ phản ứng ra sao. Mới đây, một nam sinh học lớp 9 ở Trường THCS Quang Trung (Tân Bình) nhảy từ lầu 3 xuống đất bị thương nặng vì bị cô giáo môn văn rầy la khi làm bài điểm kém. Hành động bồng bột của em thật đáng trách nhưng sau câu chuyện này ngành giáo dục rút ra điều gì?

Thực tế cho thấy nếu người thầy, người cô không chủ động truyền lửa và nói những lời yêu thương, chia sẻ với học sinh thì làm sao khơi dậy tinh thần ham học ở học trò. Đừng đòi hỏi các em phải học tốt để lấy thành tích bởi lẽ năng lực của mỗi trò khác nhau.

Để tạo dựng nhân cách cho học sinh và gieo mầm nhân văn thì người thầy phải gương mẫu, có phương pháp sư phạm khi đứng trên bục giảng.

Vân Thanh

Tin cùng chuyên mục