Sau 2 phiên "hoảng loạn", sáng 7-2 VN-Index tăng gần 34 điểm

Sau 2 phiên "hoảng loạn" khiến VN-Index mất gần 100 điểm và “thổi bay” 14 tỷ USD vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam, phiên giao dịch sáng nay 7-2 với đà bắt đáy mạnh trong phiên chiều hôm trước và tăng mạnh trong sáng nay.

Thị trường đã chuyển từ trạng thái đỏ và xanh mắt mèo sang xanh và tím trong phiên giao dịch sáng nay khiến VN-Index tăng vọt lên gần 34 điểm.

Toàn bộ 10 CP vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng giá trở lại, trong đó có nhiều mã tăng mạnh như BID, VRE, VCB, CTG. Hàng loạt mã cổ phiếu (CP) ngân hàng, chứng khoán đã tăng trần sau 2 phiên nằm sàn như BID, HDB, SHB, SSI, VND…

Tạm đóng phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 33,39 điểm (3,3%) lên 1.044,99 điểm với 283 mã CP tăng giá, chỉ có 54 mã CP giảm giá và 63 mã CK đứng giá.

VN30-Index cũng tăng mạnh 29,4 điểm lên 1.037,12 điểm với đến 28 mã CP tăng giá, 1 mã CP giảm giá và 1 mã CK đứng giá.

Chốt phiên sáng tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 4,46 điểm lên 120,1 điểm với 145 mã CP tăng giá, 40 mã CP giảm giá và 201 mã CP đứng giá.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong buổi sáng đạt hơn 4.300 tỷ đồng.

Sau 2 phiên "hoảng loạn", sáng 7-2 VN-Index tăng gần 34 điểm ảnh 1 Thị trường chuyển từ đỏ và xanh mắt mèo sang xanh và tím sáng ngày 7-2-2018. 
Liên quan đến thị trường lao dốc trong 2 ngày qua, trao đổi với giới truyền thông, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lý giải: Đợt giảm này do ảnh hưởng từ đà giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu do chính sách gần đây của FED.

Cùng với đó, do thị trường đã có chuỗi tăng mạnh kể từ tháng 11-2017 đến tháng 1-2018, do đó cũng đến lúc thị trường cũng có sự điều chỉnh.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời trước Tết Nguyên đán và trùng hợp với sự khủng hoảng của chứng khoán thế giới, khiến 2 phiên vừa rồi giảm tương đối sâu.

Đánh giá về xu hướng thị trường thời gian tới, ông Dũng cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt. Các chỉ số như GDP, CPI, lãi suất đều đạt kế hoạch hoặc được giữ ở mức ổn định theo đề ra của Chính phủ.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết trong năm 2017 khá khả quan. Doanh thu thuần của công ty niêm yết theo ngành năm 2017 tăng so với năm trước, tăng 19,11% (tính toàn thị trường).

Trong đó có các ngành có tăng mạnh về doanh thu như bất động sản (tăng 34,19%), ngành tài chính ngân hàng tăng 24,88%. Nếu xét về lợi nhuận sau thuế thì mức tăng trưởng chung toàn thị trường đạt 26,43%. Riêng ngành tài chính ngân hàng tăng rất mạnh (62,58%); bất động sản và xây dựng tăng lần lượt là 39,77% và 31,88%.

Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài trong giai đoạn vừa qua liên tục tăng mạnh. Tính chung từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hơn 14.600 tỷ đồng và 1.081 tỷ đồng trái phiếu.

Trước đó, tính đến thời điểm cuối năm 2017, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài là 32,9 tỷ USD tăng 90% so với cuối năm 2016.

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của thị trường chứng khoán thế giới.

Ông Dũng cũng cho biết, mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt.

Giá trị giao dịch trong ngày 6-2 đạt trên 17.000 tỷ đồng và ngay cả trong ngày thứ 2 giảm mạnh thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Đây là dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Dũng cũng nhắn nhủ nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục