Sau những đêm trắng

Chỉ sau một đêm, toàn bộ cơ nghiệp bỗng chốc hóa tro tàn. Chỉ sau một đêm, gia đình phải lâm vào cảnh “sinh ly tử biệt”. Chỉ sau một đêm, dãy phố gần cả chục căn nhà bị thiêu rụi, sụp đổ tan hoang... Đó là những nỗi đau đớn, xót xa tột cùng mà thời gian qua không ít doanh nghiệp cùng người dân trên địa bàn TPHCM đã gánh chịu bởi sự vô tình đến tàn khốc của “giặc lửa”.
Cảnh sát PCCC căng mình chữa cháy trong đêm
Cảnh sát PCCC căng mình chữa cháy trong đêm
Diện tích cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng hơn
Sau một ngày làm việc vất vả, ban đêm chính là khoảng thời gian đa số người trong chúng ta dành cho việc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Nhưng đối với “giặc lửa”, đây lại chính là thời điểm hay phát hỏa và gây tai họa nghiêm trọng. Khi sự tĩnh mịch của màn đêm bị xé tan bởi những tiếng còi hú đầy khẩn trương của xe cứu hỏa; khi một vùng không gian đen thẳm của bầu trời khuya bị “nung đỏ” bởi thứ ánh sáng vừa rất quen thuộc, nhưng cũng rất đáng sợ..., đó chính là những thời khắc lực lượng Cảnh sát PCCC TP phải căng mình chiến đấu với “giặc lửa” hung tàn để cứu “những cái còn trong cái mất”, để bảo vệ người dân.  
So với ban ngày, các vụ hỏa hoạn vào ban đêm thường chiếm tỷ lệ cao hơn về số lượng; diện tích đám cháy lớn, cũng như mức độ nghiêm trọng hơn về thiệt hại. Thượng tá Phạm Trí Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 8, phân tích: “Một số nguyên nhân dẫn đến cháy lớn là do báo cháy trễ, cũng như quá trình đưa chất chữa cháy vào mặt lửa bị cản trở. Ban đêm, người dân thường ngủ nghỉ nên nhiều khi không phát hiện kịp thời các điểm cháy lúc mới phát sinh, dẫn đến thời gian cháy tự do lâu, làm ngọn lửa phát triển lớn. Bên cạnh đó, dưới tác động của bức xạ nhiệt kéo dài khiến các cơ sở bị cháy vào ban đêm đa phần dễ bị đổ sụp, nên công tác cứu chữa của lực lượng Cảnh sát PCCC gặp khó khăn hơn... Có thể nói, các vụ cháy vào ban đêm thường có diện tích cháy lớn và gây thiệt hại nhiều hơn so với các vụ cháy xảy ra vào ban ngày”. 
Với sự chính quy, tinh nhuệ và tính hiện đại ngày một tăng, nhưng đối với lực lượng Cảnh sát PCCC TP, tham gia cứu chữa các vụ cháy vào ban đêm chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Theo các chiến sĩ, ám ảnh khó quên là hình ảnh biển lửa bao trùm gần như toàn bộ cơ sở, khói khí độc dày đặc, bức xạ nhiệt cao, cấu kiện công trình đổ sập gây cản trở quá trình đưa chất chữa cháy tiếp xúc với gốc lửa, tầm quan sát cùng khả năng định hướng bị hạn chế do thiếu ánh sáng... Đó chính là hàng loạt khó khăn khách quan mà các chiến sĩ Cảnh sát PCCC phải thường xuyên đối mặt khi triển khai đội hình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chống cháy lan tại hiện trường các vụ cháy nổ xảy ra trong đêm. 
Việc lực lượng PCCC chuyên nghiệp phải thức trắng đêm để khuất phục những vụ cháy nổ kinh hoàng; người này mệt có ngay người khác thay; những ổ bánh mì lót dạ, những chai nước chuyền tay nhau và cả những vòng tay, ánh mắt xót xa khi đỡ đồng đội bị chấn thương, bị bỏng ra ngoài… là hình ảnh chúng tôi thường nhìn thấy khi tham gia đưa tin thời sự tại hiện trường các vụ cháy.
Để không còn những đêm “đỏ lửa” 
Từng 2 lần nhìn thấy lực lượng Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ trên địa bàn quận 5 trong lúc chở khách, ông Nguyễn Hoàng Diểu (chạy xe ôm khu vực đường Trần Phú, phường 8, quận 5) cảm thán: “Cháy vào ban đêm khổ thật! Khổ cho người dân mà cả cho lực lượng chữa cháy. Có lần tôi đậu xe xem thấy trời tối vì phải cúp điện chữa cháy, họ (lực lượng Cảnh sát PCCC-PV) chia thành nhiều nhóm. Nhóm lo đập tường, nhóm leo lên mái tôn chữa cháy, nhóm chờ sẵn để cứu hộ... Nghề chữa cháy thật sự gian nan và nguy hiểm”.
Theo một cảnh sát PCCC, một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vào ban đêm là do sự lơ là, mất cảnh giác của con người. Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ, cùng sự chủ động phòng ngừa các nguy cơ có thể gây cháy nổ ngay tại nơi ở, nơi làm việc của mỗi người dân chính là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề này. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải xác định tầm quan trọng của công tác PCCC; đầu tư, quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác trực bảo vệ tại cơ sở vào ban đêm để có thể phát hiện sớm, xử lý kịp thời những tình huống cháy nổ ngay khi vừa mới phát sinh tránh để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiệm trọng. Còn với các hộ dân, theo ông, vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người dân cần chịu khó đi một vòng kiểm tra lại hệ thống điện, khu vực đun nấu, thờ cúng và các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt khác trong gia đình. Đồng thời, thường xuyên chú ý đến giải pháp thoát nạn; đừng đẩy mình và gia đình vào thế bị động khi không may xảy ra sự cố cháy nổ.
Việc trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng khi xử lý các tình huống cháy nổ trong đêm nói riêng và PCCC, cứu nạn cứu hộ nói chung là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác nên tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức để thu hút người dân cùng tham gia.

Trang bị phương tiện PCCC cho nhiều đối tượng

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, Cảnh sát PCCC TPHCM vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành TP; UBND các quận huyện; ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp… đề nghị triển khai việc trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành.
Công văn triển khai dựa trên Thông tư 56/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, quy định về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và Thông tư 48/2015/TT-BCA quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành.
Các phương tiện PCCC và trang phục cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Cảnh sát PCCC TP sẽ tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ quan tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc trang bị phương tiện PCCC, trang phục chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, bắt đầu từ quý 4-2017.
MINH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục