Sẽ kiểm tra thực tế và phản hồi cụ thể

Báo SGGP ngày 12-4 có đăng bài Sa tặc xâm hại Vườn quốc gia Cát Tiên, phản ánh tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Đồng Nai, nhất là khu vực chảy qua Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, khiến nơi đây đang lâm nguy. Đáng nói là có những nơi được chính quyền tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác tới 23 năm.

Phản hồi bài Sa tặc xâm hại Vườn quốc gia Cát Tiên

(SGGP).- Báo SGGP ngày 12-4 có đăng bài Sa tặc xâm hại Vườn quốc gia Cát Tiên, phản ánh tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Đồng Nai, nhất là khu vực chảy qua Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, khiến nơi đây đang lâm nguy. Đáng nói là có những nơi được chính quyền tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác tới 23 năm.

Chiều tối 12-4, ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, theo phản ánh của Báo SGGP, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã có giấy mời các cơ quan chức năng huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) lên sở làm việc. Trong tuần này, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai phối hợp với huyện Tân Phú sẽ rà soát các địa điểm khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai, xem thử các điểm khai thác thuộc phía tỉnh Đồng Nai hay phía tỉnh Lâm Đồng. “Nếu tình trạng hút trộm cát gây sạt lở cho VQG Cát Tiên như báo nêu, xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì sẽ có phương án xử lý. Trong trường hợp xảy ra tại địa bàn của Lâm Đồng thì chúng tôi sẽ làm việc với Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra thực tế, có thông tin chính xác, chúng tôi sẽ phản hồi cụ thể với quý báo”, ông Thường nói.

Liên quan đến nội dung bài viết, cùng ngày, ông Phạm Quang Tường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trước tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai có tác động xấu tới dòng chảy, làm sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông đoạn giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có điều chỉnh công suất khai thác cát từ 40.000m³/năm xuống còn 15.000m³/năm với tất cả các doanh nghiệp, hộ cá thể được cấp phép khai thác cát. Hiện nay, có 11 đơn vị khai thác cát trên sông Đồng Nai thuộc khu vực do tỉnh Lâm Đồng quản lý.

“Phía cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng sẽ siết chặt quản lý, tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn được giao quản lý”, ông Tường cho biết thêm.

Ông Huỳnh Thiên Tính, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, riêng đoạn sông Đồng Nai tiếp giáp giữa hai tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai do mỗi bên quản lý một nửa sông (tính từ bờ ra) nên tình trạng khai thác cát có những diễn biến phức tạp, có trường hợp thuyền bên địa phương này sang khu vực bên kia khai thác cát, khi thấy lực lượng chức năng liền rút về nên rất khó xử lý. Còn khu vực lòng sông tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Bình Phước đã được hai địa phương ký kết quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ chịu trách nhiệm quản lý đoạn sông dài 14km chảy qua huyện Cát Tiên (bao gồm cả bờ bên phía huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên đoạn sông này và chỉ cho phép khai thác đến hết ngày 31-12-2018 (mặc dù trước đó được cấp phép dài hạn hơn). Nhờ có phân chia khu vực rõ ràng nên việc quản lý khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác cát rõ ràng hơn.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục