Sẽ phân cấp mạnh mẽ trong quản lý giáo dục

Ngày 3-10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ sự quan tâm đối với việc đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học; cũng như việc thay thế chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng ưu đãi đối với sinh viên các trường sư phạm.

(SGGP).- Ngày 3-10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ sự quan tâm đối với việc đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học; cũng như việc thay thế chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng ưu đãi đối với sinh viên các trường sư phạm.

Về miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đa số ý kiến trong UB VHGD, TTN-NĐ đồng tình với việc thay chính sách “miễn học phí” bằng “cho hưởng tín dụng ưu đãi”, khi ra trường nếu người tốt nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục... thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí. Dự thảo luật còn mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên sư phạm ra trường về công tác trong lĩnh vực khác ở những vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo yêu cầu của Nhà nước. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói, thời gian tối thiểu đảm nhiệm công tác giảng dạy, giáo dục để được miễn hoàn trả tín dụng không thể giống nhau ở mọi địa bàn và loại hình trường lớp, do đó vấn đề này sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, một số ý kiến trong UBTVQH vẫn cho rằng, việc miễn học phí và cho vay tín dụng ưu đãi và sau đó xóa nợ có sự khác biệt về bản chất. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cùng quan điểm cho rằng, chế độ tín dụng ưu đãi áp dụng chung cho học sinh, sinh viên chứ không phải riêng cho sinh viên sư phạm, chưa thể hiện được quốc sách thu hút nhân lực tốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, khi ra trường, thực tế là có nhiều sinh viên sư phạm không thể tìm được chỗ giảng dạy hoặc làm công tác giáo dục chứ không phải bản thân họ muốn chuyển ngành nghề.

Liên quan đến giáo dục đại học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh những quy định mà ông coi là “sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong quản lý, kiểm tra hoạt động của các trường đại học”. Đó là việc giao một số thẩm quyền quản lý giáo dục hiện thuộc Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; đồng thời giao một số thẩm quyền thuộc Bộ GD-ĐT cho UBND địa phương nơi có trường đại học. Phó Thủ tướng giải thích: “Với khoảng 400 trường đại học như hiện nay, nếu mỗi tuần bộ đi kiểm tra một trường thì 3 năm rưỡi mới kiểm tra giáp vòng được. Nếu bộ “ôm” hết cả thì làm không xuể”.

Thống nhất với quan điểm này, song UB VHGD, TTN-NĐ của QH yêu cầu phân định rõ: “Bộ GD-ĐT tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, chỉ đạo, thực hiện chiến lược phát triển, hoàn thiện môi trường pháp lý, tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục... Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục tại địa phương; quy hoạch đất đai, xây dựng trường sở, quyết định mức thu học phí tại địa phương phù hợp với quy định chung của Chính phủ...”.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe tờ trình của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khóa XII. Theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, các cơ quan hữu quan đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung 3 nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 6. Trong đó, Chính phủ đề nghị QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bộ Tài chính và UB Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị trình QH xem xét thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. UB TC-NS đề nghị trình QH xem xét, sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng.

Liên quan đến cách thức tiến hành và sắp xếp, bố trí chương trình kỳ họp, một số ý kiến từ các đoàn đại biểu QH đề nghị bố trí trình bày tại hội trường các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bố trí truyền hình và phát thanh trực tiếp phiên họp QH giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, TCT nhà nước.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục