Sẽ truy trách nhiệm để thất thoát vốn nhà nước ​

Sáng 26-1, đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016" của Quốc hội đã làm việc với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước về nội dung giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Ông Hiển cho biết, cuộc giám sát gần nhất của Quốc hội về vấn đề này đã cách đây 5 năm.

Mục đích giám sát nhằm đánh giá lại quá trình ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; chỉ rõ những tồn tại hạn chế và nguyên nhân; từ đó kiến nghị Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật. Vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng sẽ được phân tích, đánh giá để trả lời câu hỏi khối này đã sử dụng vốn hiệu quả chưa? Vừa qua để xảy ra thất thoát lãng phí do nguyên nhân nào?; Trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan ra sao?

Về nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu bật tầm quan trọng của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trong việc cung cấp các thông tin đầy đủ, trung thực; giúp đoàn giám sát có cái nhìn toàn diện và đúng đắn về vấn đề được giám sát.

Theo chương trình làm việc, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã trình bày báo cáo về nội dung chuyên đề giám sát.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, theo báo cáo chung về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cho biết, qua kiểm toán 13  tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, trong đó có việc khai thác tài nguyên, khoáng sản khi chưa được cấp giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc khai thác vượt công suất, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi nhuận sau thuế vào ngân sách theo quy định…

Các doanh nghiệp lớn này cũng để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hàng hóa tồn kho, ứ đọng, kém, mất phẩm chất với giá lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp; xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế…  

Về kết quả tái cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, đáng lưu ý là sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục