Siết cho vay bất động sản: Có ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà?

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 17% (thấp hơn năm 2017 ở mức 18,7%) và đề nghị các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt hơn dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản (BĐS). Với việc “siết” khoản cho vay này, thời gian tới liệu có ảnh hưởng đến việc mua nhà của người dân?
Dự án chung cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Huy Anh ​
Dự án chung cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Huy Anh ​

Thay đổi cách thức tiếp cận vốn

Thị trường BĐS trong năm 2018 được đánh giá vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, phân khúc nhà ở vừa túi tiền được dự báo là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường BĐS. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, thị trường sẽ phải đối mặt với những thách thức, như khó khăn về quan hệ cung - cầu, tiếp cận quỹ đất đầu tư, thủ tục hành chính… và đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng khi NHNN đang thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường BĐS, dự kiến áp dụng kể từ ngày 1-1-2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017 của NHNN.

Liên quan đến việc siết tín dụng trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh địa ốc; tuy nhiên, điều này cũng tạo động lực để DN phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, các DN phải hoạt động theo hướng minh bạch để có thể đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, có đủ nội lực để niêm yết trên sàn chứng khoán (nhằm huy động vốn). Việc giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc DN, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh nhằm phát triển DN và giúp thị trường BĐS ngày càng minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Các DN cũng nhìn nhận, việc siết tín dụng BĐS chắc chắn sẽ tác động đến thị trường vì phần lớn vốn của các DN BĐS hiện nay là vốn vay từ ngân hàng. Mặc dù vậy, lãnh đạo một DN BĐS cho rằng không đáng lo vì bản thân các DN cũng luôn có sự chuẩn bị về nguồn vốn của mình. Khi nguồn vốn vay ngân hàng bị hạn chế, các DN phải đẩy mạnh các nguồn vốn còn lại; trong đó có nguồn vốn liên doanh, liên kết và vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, vị này cũng nhìn nhận muốn huy động được nguồn vốn của khách hàng và các đối tác thì bản thân DN phải có uy tín, năng lực trên thị trường BĐS.

Cần có chính sách cụ thể để kiểm soát chặt chẽ

Các chuyên gia BĐS cho rằng, nếu nguồn tín dụng vào BĐS bị hạn chế, không chỉ riêng gì DN địa ốc ảnh hưởng mà cả người mua nhà, đặc biệt với người mua nhà để ở cũng bị ảnh hưởng. Với thực tế giá nhà tại Việt Nam vẫn còn cao so với thu nhập của đa số bộ phận người dân lao động, Nhà nước luôn có chủ trương hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với túi tiền của người dân. Nhưng một khi nguồn vốn vay trở nên khó khăn hơn, đương nhiên giá nhà cũng bị đội lên tương ứng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để kiểm soát chặt chẽ đối với từng phân khúc của thị trường BĐS. Bởi lẽ, hiện nay nhà giá rẻ, chung cư bình dân vẫn đang có nhu cầu rất nhiều. Vì thế, nên có chính sách ưu tiên hướng đến dự án thuộc phân khúc này, đặc biệt là các gói lãi suất ưu đãi.

Thực tế cho thấy, sau khi gói hỗ trợ cho vay nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ kết thúc, rất nhiều người mua nhà đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mua nhà ở. Mặc dù các ngân hàng cũng có những gói lãi suất ưu đãi cho người mua nhà nhưng thời gian ưu đãi nhiều nhất cũng chỉ 6 tháng đến 1 năm.

Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà thường muốn vay dài hạn. Chính vì thế, trong bối cảnh lãi suất cho vay mua nhà có thể sẽ tăng trong thời gian tới, để hỗ trợ người mua nhà, hiện một số DN cũng đồng hành cùng khách hàng như khách hàng mua căn hộ tầm trung Him Lam Phú An tại quận 9 sẽ được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm hoặc 4 năm với lãi suất cố định 6%/năm (tương đương lãi suất mua nhà ở xã hội).

Thực tế không chỉ ở Việt Nam, người mua nhà ở nhiều nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Theo khảo sát của Tập đoàn HSBC, việc tăng lãi suất là mối lo lắng hàng đầu của những người đang có khoản vay mua nhà trên khắp thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

Khảo sát có sự tham gia của hơn 10.000 người ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, 75% người đang có khoản vay mua nhà chưa trải qua đợt tăng lãi suất nào từ lúc họ bắt đầu vay.

Khảo sát của HSBC cũng cho thấy tác động của việc tăng lãi suất đáng kể đối với người vay mua nhà. 22% trong số người được khảo sát cho biết, nếu lãi suất khoản vay tăng lên 2%, họ sẽ gặp khó khăn hoặc không có khả năng thanh toán; tỷ lệ lên đến 47% nếu mức tăng lãi suất lên 5%.

Cụ thể, tại Pháp, có đến 36% số người đang có khoản vay mua nhà cho biết, họ sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất khoản vay tăng 2%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước được khảo sát, so với chỉ 13% tại Trung Quốc. Người Pháp cũng là những người sẽ chịu tác động nhiều nhất (57%) trong trường hợp lãi suất khoản vay tăng 5%, so với Vương quốc Anh với tỷ lệ 35%.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam, đánh giá: “Sở hữu nhà ở tiếp tục là mục tiêu tài chính hàng đầu của nhiều người trên khắp thế giới và vay mua nhà là một trong những giải pháp giúp hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát cho thấy, cả người mua nhà tiềm năng lẫn người đang có khoản vay mua nhà đều sẽ chịu tác động đáng kể của việc tăng lãi suất. Vì thế, điều quan trọng là những người đang cân nhắc vay mua nhà nên hiểu rõ về sản phẩm, những yếu tố tác động đến lãi suất khi vay mua nhà”.

Tin cùng chuyên mục