Siết lại quản lý an toàn lao động

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), trong tai nạn lao động (TNLĐ), lĩnh vực xây dựng có số vụ cũng như số người chết và bị thương nặng chiếm tỷ lệ cao nhất. 
Đáng chú ý là mặc dù các vụ TNLĐ xảy ra hầu hết là do yếu tố chủ quan, xem thường việc giữ an toàn lao động, nhưng rất hiếm vụ bị cơ quan chức năng khởi tố hình sự. 

Tôi có nhiều năm làm công tác an toàn vệ sinh lao động và đi kiểm tra, thanh tra tại các công trình doanh nghiệp đang thi công, qua đó nhận thấy nhiều vụ TNLĐ xảy ra là do doanh nghiệp vi phạm quy trình làm việc; thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn; bố trí lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm không đúng chức danh và chuyên môn. Nhiều chủ sử dụng lao động khi xảy ra TNLĐ còn che giấu, không báo cáo, thậm chí đổ hết lỗi cho người lao động là đã vi phạm quy trình. 

Tại các doanh nghiệp ở các nước công nghiệp, công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động rất chặt chẽ, bài bản, chuyên nghiệp, luôn bố trí các cán bộ chuyên trách giám sát công tác an toàn lao động và phân công cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm liên đới của từng người, từng bộ phận nếu để xảy ra mất an toàn lao động. Nếu người lao động đang làm việc tại các bộ phận sản xuất hay tại các công trình phát hiện ra các yếu tố độc hại hoặc nguy cơ TNLĐ, sẽ được thưởng ở nhiều mức khác nhau. Người lao động có những sáng kiến, biện pháp đảm bảo an toàn lao động sẽ được thưởng với mức thưởng rất cao. Do vậy, tại các doanh nghiệp này, rất khó tìm ra những điểm yếu hay nguy cơ về mất an toàn lao động. 

Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2016, chỉ những doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên mới phải cử người lao động làm công việc chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động; còn dưới 50 lao động thì có thể bố trí người kiêm nhiệm công tác an toàn lao động trong doanh nghiệp. Có thể thấy, đây là một quy định chưa hợp lý để có thể giám sát và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp.

Đã đến lúc các doanh nghiệp phải chú trọng và nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn lao động. Cần học hỏi cung cách làm việc cũng như cách quản lý bài bản, chuyên nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động từ các doanh nghiệp ở các nước công nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật An toàn vệ sinh lao động, theo hướng quy định bất kỳ doanh nghiệp nào có sử dụng nhiều lao động (nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng, có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động) phải bố trí cán bộ hoặc lực lượng làm công tác giám sát an toàn vệ sinh lao động chuyên trách, để đảm bảo an toàn lao động.

Tin cùng chuyên mục