Sinh hoạt đảng viên theo Quy định 76 - “Siết” hay kêu gọi tự giác?

Đến họp lại lên
Sinh hoạt đảng viên theo Quy định 76 - “Siết” hay kêu gọi tự giác?

Thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đưa đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… về sinh hoạt với cấp ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú (gọi tắt là “đảng viên 76”), những ngày cuối năm, “đảng viên 76” đang gửi phiếu nhận xét đảng viên về cấp ủy địa phương nơi cư trú để lấy ý kiến đánh giá. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định này sau 11 năm vẫn còn theo lối mòn, nặng hình thức.

Bác Đinh Thị Kắng (trái), bí thư chi bộ tại phường 6, quận 5 và chị Nguyễn Thị Sâm “đảng viên 76” đang công tác tại Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thứ 2 từ trái sang) đang cùng với người dân bàn cách giữ gìn khu phố xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Kim Ngân

Bác Đinh Thị Kắng (trái), bí thư chi bộ tại phường 6, quận 5 và chị Nguyễn Thị Sâm “đảng viên 76” đang công tác tại Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thứ 2 từ trái sang) đang cùng với người dân bàn cách giữ gìn khu phố xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Kim Ngân

Đến họp lại lên

Làm cuộc thăm dò “bỏ túi” đối với các “đảng viên 76”, khi được hỏi, việc sinh hoạt của họ như thế nào tại địa phương, hầu hết những đảng viên được hỏi cho biết: Mỗi năm được cấp ủy tại địa phương mời họp 2 lần, lần giữa năm và gần tết. Nội dung họp là thông báo tình hình của địa phương và… vận động đóng góp tiền cho các chương trình chăm lo của phường!

Có đảng viên còn khẳng định, họ chưa từng biết mặt ông bí thư chi bộ khu phố mình. “Ráng đi họp đầy đủ, đóng tiền đầy đủ để cuối năm lấy được cái phiếu nhận xét đảng viên tốt”, là suy nghĩ của phần lớn “đảng viên 76”. Anh L.V.T, ngụ ở quận Tân Bình, thẳng thắn: “Nhiều chi bộ, Đảng bộ cơ sở nhận xét “đảng viên 76” sơ sài, chung chung, thiếu sâu sát…”.

Lại có những nơi, khi Đảng ủy phường làm chặt quy định này thì phát sinh những trở ngại khác. Bí thư Đảng ủy của một phường thuộc quận 5 kể: Một “đảng viên 76” là lãnh đạo một phòng của quận A. mới chuyển đến phường cư trú. Suốt cả năm, đảng viên ấy chẳng tham gia bất kỳ hoạt động gì của địa phương nên khi nhận xét đảng viên cuối năm, phường có lưu ý vấn đề này.

Tuy nhiên, vị trưởng phòng này phản ứng dữ dội rằng tại sao trước đây đồng chí ấy ở phường khác vẫn sống như vậy nhưng được nhận xét tốt còn phường này Đảng ủy lại nhận xét khó hơn?! Cũng có nơi, khi bí thư Đảng ủy phường nhận xét nghiêm thì “đảng viên 76” né bằng cách đưa phiếu cho phó bí thư Đảng ủy phường nhận xét…

Nói như thế không có nghĩa tổ chức Đảng tại địa phương nào thực hiện quy định này cũng mang tính hình thức. Có những địa phương thực hiện tốt quy định này nên tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của đảng viên.

Ông Lê Tấn Tài, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường 6, quận 5 dẫn chứng, một cán bộ làm việc tại bệnh viện B., sinh sống tại địa phương, nhưng ông này luôn “kín cổng cao tường”, không tham gia bất kỳ sinh hoạt gì do phường phát động. Thế nhưng, sau khi Đảng ủy phường góp ý vào bản nhận xét đảng viên cuối năm, cán bộ này trở nên thân thiện hơn với xóm giềng, tích cực hơn với phong trào tại cơ sở.

Làm sao để tránh hình thức?

Quy định 76 là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết vì khi “đảng viên 76” về sinh hoạt với cấp ủy địa phương sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm đối với khu dân cư, cấp ủy và chính quyền nơi cư trú. Thông qua “sinh hoạt 76”, cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên công tác, có thể giám sát, quản lý tốt hơn đảng viên của chi bộ mình… Vấn đề là làm thế nào để việc thực hiện Quy định 76 đi vào thực chất?

Một đảng viên đang công tác tại Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP góp ý: cải tiến biểu mẫu nhận xét theo hướng chi tiết, có chiều sâu hơn (như cụ thể mỗi năm, tham gia sinh hoạt tại địa phương bao nhiêu lần, đóng góp những gì...); quán triệt tư tưởng và quy định cụ thể việc đánh giá của chi ủy, Đảng ủy địa phương. Nếu nhận xét “đảng viên 76” mà chưa biết mặt họ; hoặc vì nể nang, né tránh mà nhận xét chung chung, mục nào cũng tốt, dẫn đến kết quả không thực chất, vô hình trung bao che khuyết điểm của đảng viên, nhất là trong tình hình hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ đảng viên còn có biểu hiện xa dân.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Tấn Tài cho rằng: “Nhận xét đảng viên đương chức nói xuôi thì dễ, nói ngược thì khó nên nói phải có sách, mách có chứng. Đừng ngại nghe ý kiến đóng góp trái chiều vì họp mà cứ nghe đọc báo cáo thôi thì ngán lắm”. Cần có quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng nơi đảng viên cư trú và nơi đảng viên đang công tác mới có thể sâu sát, quản lý tốt đảng viên. Đặc biệt, phải biểu dương những “đảng viên 76” làm tốt trách nhiệm, tránh nhận xét cào bằng sẽ không tạo được động cơ phấn đấu.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, một phó bí thư Quận ủy quận 1 cho rằng: Việc vận dụng Quy định 76 đối với đảng viên là không phân định ranh giới hành chính hay đợi đến quý, đến kỳ khi phường mời họp mà cần thể hiện qua hành động cụ thể mỗi ngày đối với bà con hàng xóm trong hẻm, phố nơi mình sinh sống. “Nếu họp chỉ để đóng tiền, thấy không vi phạm gì thì đánh giá tốt là không đúng quan điểm của Đảng. Muốn Đảng gần dân thì từng đảng viên phải gần dân”, vị phó bí thư quận ủy này nêu ý kiến.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi nhận xét “đảng viên 76”, chi bộ, tổ dân phố phải tham khảo ý kiến người dân trong khu dân cư mới có thể có thông tin đầy đủ, đánh giá chính xác về đảng viên đó.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục