Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM báo cáo toàn diện kế hoạch xây dựng Nhà hát ở Thủ Thiêm

Trong 5 năm qua, TPHCM đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng xây bệnh viện, trường học, trong khi nhà hát chỉ hơn 1.500 tỷ đồng, tức bằng 4% tiền xây bệnh viện, trường học.

Chiều 18-10, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM có báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM (gọi tắt là nhà hát) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.  

Báo cáo đã chỉ rõ các điểm quan trọng: sự cần thiết đầu tư, thực trạng hoạt động của nhà hát, mục tiêu đầu tư, quy hoạch, chủ trương xây dựng nhà hát và các vị trí xây dựng từng được lựa chọn, về quy mô công trình, về nguồn vốn – tổng mức đầu tư…

 Thực trạng của nhà hát hiện nay

Phân tích về thực trạng hoạt động của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay, nhà hát được thành lập năm 1993, có trên 100 người bao gồm nghệ sỹ, diễn viên và nhân viên hành chính. Sau 20 năm hoạt động và phát triển, nhà hát đã trở thành đơn vị biểu diễn nghệ thuật hàn lâm chuyên nghiệp và quy mô nhất tại TPHCM với 3 bộ phận nghệ thuật chuyên nghiệp: đoàn Giao hưởng, đoàn Nhạc kịch và đoàn Vũ kịch. Hàng năm, Nhà hát đã dàn dựng và biểu diễn khoảng 40 chương trình nghệ thuật đỉnh cao, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ ngày một nâng cao của đông đảo công chúng, đồng thời, phục vụ tốt những sự kiện ngoại giao quan trọng, những ngày kỷ niệm.

Trong những năm gần đây, nhà hát đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng chuyên môn và tính chuyên nghiệp trong tổ chức biểu diễn, thu hút được sự quan tâm và hợp tác của nhiều nghệ sĩ, nhạc trưởng, biên đạo nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Nhiều dự án biểu diễn quy mô lớn được tổ chức góp phần nâng cao vị thế của nhà hát trong khu vực cũng như bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, ngoài những chương trình biểu diễn các tác phẩm kinh điển thế giới, nhà hát còn tổ chức biểu diễn hàng trăm tác phẩm của các nhạc sỹ, biên đạo Việt Nam, góp phần tạo môi trường phát triển cho nền âm nhạc và nghệ thuật múa hàn lâm Việt Nam.

Tuy vậy, hiện nay, nhà hát không có cơ sở vật chất tương xứng để phát triển hoạt động. Việc tập luyện của diễn viên và nhạc công phải rải rác ở các cơ sở nhỏ trên địa bàn TPHCM. Khối văn phòng đang bố trí ở tầng hầm Nhà hát TPHCM rất chật chội và ẩm thấp.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM báo cáo toàn diện kế hoạch xây dựng Nhà hát ở Thủ Thiêm ảnh 1 Nơi luyện nhạc và kho nhạc cụ tạm thời của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM tại rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng Tám) 

  Sự cần thiết đầu tư

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chỉ rõ, TPHCM là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên, sự phát triển của các công trình văn hóa vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. TPHCM cũng là đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.

Trước đây, vào thời Pháp thuộc, thành phố có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc Thành phố) và Nhạc viện TPHCM. Đến nay, chỉ còn Nhà hát TPHCM còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành đều đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Trước tốc độ phát triển ngày càng cao của thành phố lớn nhất cả nước với hơn 10 triệu dân, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế- văn hóa – xã hội, đồng thời góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TPHCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TPHCM.

Về sự cần thiết đầu tư Nhà hát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến: “Việc xây dựng nhà hát là làm theo quy hoạch, kế hoạch và đến bây giờ mới làm là hơi muộn, vì kế hoạch làm nhà hát đã có từ 25 năm trước. Xét trên tổng thể, việc xây Nhà hát không tốn nhiều tiền, kinh phí TPHCM xây trường học, bệnh viện trong 5 năm vừa qua là hơn 34.000 tỷ đồng, trong khi nhà hát chỉ hơn 1.500 tỷ đồng, tức bằng 4% tiền xây bệnh viện, trường học. Phải thấy được tổng thể mới thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm”.

Về ý kiến cho rằng TPHCM nên dành số tiền 1.500 tỷ đồng để đầu tư các công trình phúc lợi cấp bách hơn như bệnh viện, chống ngập, xây cầu đường giảm kẹt xe… Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, các công việc đó với việc xây nhà hát là khác nhau hoàn toàn. Lâu nay, TPHCM đã đầu tư rất nhiều tiền vào hạ tầng giao thông, cầu đường, trường học, bệnh viện… nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể.

Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Không phải vì đầu tư nhà hát mà TPHCM phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ, TPHCM vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TPHCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện”.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM báo cáo toàn diện kế hoạch xây dựng Nhà hát ở Thủ Thiêm ảnh 2 Khán giả quốc tế theo dõi một chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM tại Nhà hát TPHCM

Mục tiêu đầu tư nhà hát

Xây dựng một công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn nhất của đất nước, góp phần khẳng định vị thế của TPHCM.

Xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch của Việt Nam và quốc tế để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân.

Bồi dưỡng, đào tạo tài năng nghệ thuật trong cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Tổ chức giao lưu văn hóa với các dàn nhạc giao hưởng trong nước và quốc tế.

Thể hiện mong muốn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM về xây dựng một công trình văn hóa chuyên ngành có giá trị tiêu biểu, kiến trúc hiện đại, gắn kết với công nghệ, trang thiết bị tiên tiến; đảm bảo phục vụ dàn dựng và biểu diễn những chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Các vị trí nào từng được lựa chọn xây dựng nhà hát?

Năm 2008, UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo về việc giao Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TPHCM nghiên cứu đề xuất quy mô Nhà hát, đảm bảo tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế, là biểu tượng trung tâm văn hóa TPHCM, dự kiến quy mô công trình phù hợp với vị trí và quy mô đất đã được xác định theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM lúc đó (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) đã có nghiên cứu chọn các địa điểm xây dựng trong trung tâm, trong đó có khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), tuy nhiên, khu đất này không phù hợp do quy mô khu đất nhỏ.

Năm 2010, UBND TPHCM ban hành quyết định về giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2010 (đợt 1), trong đó có Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được bố trí xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Tuy nhiên, năm 2011, Chính phủ có Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã họi trong đó tạm dừng bố trí vốn cho các dự án đầu tư công nên dự án tạm dừng thực hiện.

Đến năm 2012, UBND TPHCM đã thống nhất việc bố trí Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Công viên 23-9 (quận 1). Đồng thời, giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) tham mưu UBND TPHCM mời đơn vị tư vấn của Đức nghiên cứu thành lập thiết kế dự án (Công ty Busmann+Haberer, Muller, Inros Lackner AG). Đây là một đơn vị đã thực hiện một số công trình tại Việt Nam như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, tòa nhà Quốc hội, cảng Cái Mép…

Năm 2013, đơn vị tư vấn thiết kế dự án là Công ty Busmann+Haberer, Muller, Inros Lackner AG đã cùng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cùng các hội, sở, ngành chuyên môn khảo sát địa điểm, đánh giá tác động, xác định ranh và giới hạn khu đất, thảo luận về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tổng mức đầu tư, tiến trình thực hiện dự án để trình UBND TPHCM phương án thiết kế sơ bộ công trình.

Sau đó, UBND TPHCM đã thống nhất chọn vị trí khu đất có diện tích 1,2ha (rộng hơn 90m, dài 134m), giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão để xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với 2 khán phòng chính sức chứa 1.200 chỗ và 500 chỗ. Tiếp đó, ngày 4-5-2013, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương trình duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ Công viên 23-9 và giao Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM tổ chức tọa đàm về vị trí xây dựng Nhà hát. Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã phối hợp với Liên hiệp tổ chức tọa đàm vào ngày 14-6-2013, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn.

Từ các ý kiến tại buổi tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM có văn bản kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận xây dựng 2 nhà hát ở cả 2 vị trí: công viên 23-9 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, tập trung xây dựng ngay nhà hát tại Công viên 23-9 hoàn thành trong năm 2015 và đầu tư xây dựng nhà hát thứ hai trong tương lai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ năm 2014, dự án phải thực hiện lại từ đầu theo quy định, chủ đầu tư lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND TPHCM, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại.

Vị trí nhà hát tại Thủ Thiêm

Năm 2016, UBND TPHCM chỉ đạo, giao Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo đề xuất việc xây dựng dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

Đầu năm 2017, UBND TPHCM giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM và các đơn vị liên quan lựa chọn đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt.

Tiếp đó, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã chủ trì, tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về mặt chuyên môn của các Hội Kiến trúc sư TPHCM, Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM, các chuyên gia, nghệ sĩ, nhạc sĩ… đối với khái quát nhiệm vụ thiết kế công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại quận 2. Các sở, ngành, ban quản lý, hội cũng đã góp ý.

Ngày 20-8-2018, Sở Kế hoạch và đầu tư có báo cáo gửi Hội đồng thẩm định TPHCM về dự án. Ngày 14-9, Hội đồng thẩm định TPHCM đã có báo cáo về Kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Theo đó, kết luận dự án này đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Đến ngày 8-10, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ với 2 khán phòng. Tổng diện tích xây dựng khoảng 20.030m2, phần ngoài trời khoảng 5.016m2 và có phần thiết bị đặc thù chuyên dụng của Nhà hát.

Giải pháp kiến trúc và vốn

Giải pháp kiến trúc công trình, hình thức kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng hiện đại nhưng vẫn tạo được sự gần gũi thân thiện, phù hợp với khí hậu nhiệt đới và phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung toàn khu.

Hình khối kiến trúc đặc sắc tạo ấn tượng, gây chú ý cho quần chúng và du khách về các hoạt động ở bên trong, đưa ra một hình ảnh mới, hiện đại về một trong những công trình văn hóa điểm nhấn ở TPHCM.

Thiết kế phải đảm bảo tuân thủ những quy định về biểu diễn các loại hình giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch; hướng đến tuân thủ những tiêu chuẩn về công trình xanh của Việt Nam cũng như quốc tế.

Về nguồn vốn – tổng mức đầu tư, năm 2008, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương về việc tiến hành thủ tục bán đấu giá cơ sở nhà, đất số 23 Lê Duẩn (quận 1) để tạo nguồn thưc hiện dự án.

Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, gồm chi phí xây lắp 638 tỷ đồng, chi phí mua sắm thiết bị chuyên dùng 627 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 13 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng gần 30 tỷ đồng, chi phí khác 62 tỷ đồng và chi phí dự phòng 137 tỷ đồng.

Về thời gian thực hiện và nhu cầu vốn, dự kiến thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2022. Năm 2018 thông qua chủ trương đầu tư. Năm 2019-2020 tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng công trình theo đúng quy định. Năm 2020-2021 khởi công và thi công xây lắp phần bê thông cốt thép công trình. Năm 2021-2022, hoàn thiện công trình, lắp đặt thiết bị.  Nhu cầu vốn tương ứng, năm 2018 là 0 đồng, năm 2019 khoảng 30 tỷ đồng, năm 2020 là 70 tỷ đồng, năm 2021 là 600 tỷ đồng và năm 2022 là 650 tỷ đồng.

Sự phù hợp quy hoạch

Theo Quyết định số 3165/QĐ-UBND ngày 19-6-2012 của UBND TPHCM về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, dự án Nhà hát được bố trí xây dựng tại khu đất 1-21, trong Khu chức năng số 1, khu lõi trung tâm thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

                        Về chủ trương xây nhà hát

Về chủ trương xây dựng Nhà hát, từ năm 2013, Thủ tướng có phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, trong đó có dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TPHCM trong giai đoạn 2011-2015.

Tiếp đó, năm 2015, Thành ủy TPHCM, trong chương trình hành động, đã xác định: “tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, thiết chế văn hóa thiết yếu như: Bảo tàng, nhà hát nghệ thuật, nhà hát tạp kỹ, nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch, nhà hát cải lương, sân khấu kịch xã hội hóa… Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn hóa trên địa bàn dân cư”.

Tin cùng chuyên mục