Sôi động cuộc chiến taxi công nghệ

Những ngày gần đây, nhiều hãng taxi - xe ôm công nghệ tung ra hàng loạt kiểu khuyến mại chiêu mộ tài xế nhằm giành thị phần với Grab sau khi Uber rời bỏ thị trường Đông Nam Á.
Ồ ạt đầu tư công nghệ vận tải Chỉ còn vài ngày nữa Uber và Grab hoàn tất kế hoạch chuyển giao,  trên thị trường kinh doanh vận tải đã bắt đầu làn sóng mới, đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình xe ôm - taxi công nghệ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quyết tâm tìm thị phần khi Uber chính thức rời khỏi thị trường Đông Nam Á! Thị trường vận tải đang bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh mới, giữa Grab và các ứng dụng công nghệ vận tải thuần Việt khác.  Từ giữa tháng 11-2017, Mai Linh thành lập Trung tâm xe công nghệ, thu hút các tài xế. Sau thời gian tham gia thử nghiệm thị trường xe công nghệ, dịch vụ đặt xe ôm công nghệ này đồng loạt ra mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Đến nay, Mai Linh đã thu hút hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu của Mai Linh là 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020. Giám đốc Trung tâm vận hành Mai Linh Bike (thuộc Tập đoàn Mai Linh) Nguyễn Thị Kiều Nhung cho biết, sau thời gian thử nghiệm, hiện Mai Linh Bike đang hoàn thiện cả về quy trình vận hành và công nghệ. Giá cước cạnh tranh ngang bằng hoặc thấp hơn các hãng xe công nghệ khác (đối với loại xe thông thường, mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo). Sự khác biệt của Mai Linh là cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Hành khách có thể yên tâm vì khi có bất cứ một vấn đề gì cần khiếu nại, khách hàng có địa chỉ tiếp nhận và hỗ trợ sớm nhất từ Mai Linh.
Sôi động cuộc chiến taxi công nghệ ảnh 1 Taxi Mai Linh công nghệ         Ảnh: CAO THĂNG
 DN nội tiếp theo vào cuộc là Công ty Phương Trang, với quyết định đưa mô hình gọi xe công nghệ VATO ra mắt sớm hơn dự kiến 1 tháng. Phương Trang cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỷ đồng) vào ứng dụng VATO để cạnh tranh với Grab, Mai Linh... VATO được coi là ứng dụng “Made in Vietnam”, nhưng khá “lận đận” vào thời Uber, Grab bùng nổ. Ban đầu ứng dụng này có tên là Facecar, sau đó đổi tên sang ViVu, và giờ là VATO khi được rót thêm vốn. Ứng dụng này không chỉ để gọi xe mà tích hợp nhiều chức năng đi kèm như thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng... Trước đó, tại Hà Nội, Công ty CP Công nghệ Didi Việt Nam cũng giới thiệu ứng dụng gọi xe Didi Việt Nam. Hãng này hiện chỉ có 500 đầu xe và mạng lưới hoạt động liên kết với nhiều hãng taxi tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu gọi xe của khách. 
Giá cước quyết định thành - bại Trong khi các tài xế chạy Grab than thở Grab giảm ưu đãi, tăng phần trăm thu lại, thì các hãng taxi công nghệ khác đang chọn hướng gia tăng ưu đãi và quyền lợi để cạnh tranh. Theo Trung tâm vận hành Mai Linh Bike, những ngày qua, số lượng đối tác đăng ký Mai Linh Bike tăng gấp nhiều lần so với những ngày trước đây. Mỗi ngày có hơn 100 tài xế đến đăng ký chạy Mai Linh Bike. Mai Linh Bike cam kết chỉ thu chiết khấu 15% và tặng 100% phí đồng phục nếu trong tháng đầu, đối tác đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Mai Linh cũng mua bảo hiểm cho tất cả đối tác sau khi đối tác hoạt động từ 6 tháng. Với Mai Linh Taxi, chỉ thu từ 12% doanh thu đối với năm đầu tiên (hợp đồng cam kết chạy 3 năm) và 2 năm đầu (hợp đồng ký 5 năm) và 14,9% đối với xe đăng ký bán thời gian... Điểm khác biệt so với xe ôm công nghệ khác, Mai Linh Bike có dịch vụ đặt xe qua tổng đài (gọi số 1055 trên toàn quốc). Ngoài ra, Mai Linh còn nhận vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đưa đón trẻ đến trường.
Sôi động cuộc chiến taxi công nghệ ảnh 2 Mai Linh Bike hoạt động trên đường Mai Thị Lựu, quận 1, TPHCM           Ảnh: CAO THĂNG
 Còn VATO đang áp dụng mức chiết khấu với tài xế đối tác là 20% (Grab là 25% chưa thuế), giá mở cửa là 6.000 đồng, cước phí 8.000 đồng/km (các hãng khác 9.000 - 11.000 đồng). Hãng này còn tuyên bố sẽ đảm bảo mức hỗ trợ cho tài xế 35.000 đồng/chuyến. Tức tài xế đủ chuyến dưới 35.000 đồng sẽ được hỗ trợ để đạt mức này. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, VATO hỗ trợ thêm cho tài xế 20% doanh thu. Ứng dụng gọi xe “Made in Vietnam” này dự kiến sẽ mua điểm đón tại sân bay, bến xe, khách sạn… để tài xế được tăng thu nhập. Để thu hút khách hàng, ngay trong ngày ra mắt (1-4), VATO tung ra khuyến mại khủng, mỗi khách hàng được nhận 1 mã giảm giá 50% (tối đa 30.000 đồng) cho 3 chuyến trong ngày. 
Sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các DN công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ. Mô hình taxi truyền thống dự báo sẽ vẫn khó khăn và  một cuộc chiến mới thực sự đã bùng nổ trên thương trường gọi xe ứng dụng công nghệ. Tất nhiên, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi, sẽ được khách hàng đón nhận.
 Bên cạnh Grab hay Uber, các hãng taxi như Thành Công, Taxi Group, Sao Thủ Đô (Hà Nội), Mai Linh, Vinasun… đều có ứng dụng gọi xe. Nhìn chung, ứng dụng gọi xe của các hãng taxi này khá hiện đại, dễ sử dụng, khách hàng biết được khoảng cách đi và đến, tính phí sơ bộ, vị trí xe taxi, vị trí đón khách, thanh toán bằng thẻ, đánh giá tài xế… 
Chẳng hạn như của Vinasun, các thao tác trên ứng dụng gọi xe khá đơn giản, trực quan. Chỉ cần chọn điểm đến, chọn loại xe (4 chỗ, 7 chỗ hoặc bất kỳ); sau đó xác nhận đặt xe và chờ tài xế đến đón. Vinasun sử dụng nền tảng bản đồ của Google - tương tự như Grab, vì vậy sự sai lệch vị trí hầu như không xảy ra. Tương tự là ứng dụng đặt xe của hãng Mai Linh. Điều được người dùng đánh giá cao trên ứng dụng này là khi gọi xe khách hàng biết được xung quanh có bao nhiêu tài xế đang sẵn sàng phục vụ. Thông tin của tài xế được thể hiện rõ với các thông tin như biển số, mã số tài xế và điểm số đánh giá của người dùng. Sau chuyến đi, thông tin được thể hiện rất rõ ràng, bao gồm cả thời gian lên và xuống xe, thời gian và quãng đường thực hiện hành trình cùng số tiền phải thanh toán. 
Tuy nhiên điều thấy rõ là số lượt tải ứng dụng đặt xe của các hãng taxi không lớn. Nhiều khách hàng phàn nàn về ứng dụng hay bị treo, không xác định được điểm đến, xe đến trễ… 
GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục