Sôi động học bổng “hút” sinh viên

Đến hẹn lại lên, vào cao điểm tuyển sinh đại học (ĐH) là lúc các trường đồng loạt công bố chương trình học bổng để thu hút thí sinh. 
Nhiều sinh viên nhận học bổng đỡ đầu từ các giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Nhiều sinh viên nhận học bổng đỡ đầu từ các giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Xét về mặt tích cực, đây là chương trình ý nghĩa nhằm tiếp sức cho thí sinh giỏi, thí sinh hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành ước mơ ĐH. Song, mặt trái của những loại học bổng “với không tới” ở nhiều trường lại gây phản cảm, khi đưa ra với mục đích chủ yếu là “câu” thí sinh, chứ không xuất phát từ cái tâm của môi trường sư phạm. 

Học bổng để… tuyển sinh  

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) vừa công bố chính sách học bổng tuyển sinh ĐH dành cho thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, học bổng được chia làm 3 mức: 100%, 50% và 25%. Tiêu chí xét trao dựa trên điểm số của thí sinh. Những trường hợp được nhận học bổng 100% là các thí sinh trúng tuyển có tổng điểm thi THPT quốc gia 2017 của 3 môn xét tuyển đạt từ 27 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên; thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, hoặc thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, hoặc thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tương tự, để nhận học bổng 50%, thí sinh trúng tuyển có tổng điểm thi THPT quốc gia 2017 của 3 môn xét tuyển đạt từ 24 đến dưới 27 điểm, không tính điểm ưu tiên. Với thí sinh được nhận học bổng 25%, các em cần phải có tổng điểm thi THPT quốc gia 2017 của 3 môn xét tuyển đạt từ 22 đến dưới 24 điểm, không tính điểm ưu tiên (không áp dụng đối với sinh viên trúng tuyển ngành Dược). Bên cạnh đó, trường còn xét trao học bổng “Thủ khoa đầu vào Hutech”, với trị giá 100 triệu đồng. 

Ngoài mức học phí cạnh tranh, Trường ĐH Văn Hiến còn có quỹ học bổng dành cho các tân sinh viên. Tổng trị giá các quỹ học bổng gần 5 tỷ đồng. Theo đó, các sinh viên đang theo học có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học sẽ có cơ hội nhận các gói học bổng toàn phần, 50% hoặc 25% tổng trị giá học phí. 

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thu hút người học bằng cách quyết định tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường trong năm học 2017 sẽ nhận được học bổng từ 1 - 5 triệu đồng. Đối với sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, thủ khoa đầu vào, thủ khoa tốt nghiệp…, trường có quỹ học bổng hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ.  

Đừng biến học bổng thành “mồi nhử”  

Nếu như trước đây, các trường ĐH ngoài công lập gây sự chú ý cho thí sinh bằng học bổng tuyển sinh thì hiện nay sân chơi này có sự tham gia của rất nhiều trường công lập, trong đó đáng nói nhất là các trường công lập tự chủ. 

Quỹ học bổng của các trường tại TPHCM như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Tài chính Marketing, ĐH Kinh tế, ĐH Công nghiệp, ĐH Công nghiệp thực phẩm… hiện nay rất lớn, lên đến vài chục tỷ đồng. Đại diện nhiều trường cho biết, nếu như trước đây quỹ học bổng eo hẹp thì sau 2 năm thực hiện tự chủ (tài chính), nguồn học bổng cho sinh viên rất dồi dào. Có trường còn thông báo nếu sinh viên khó khăn cần hỗ trợ học tập thì hãy làm đơn và trường giải quyết ngay. 

Trong số các trường công lập tự chủ thì Trường ĐH Quốc tế là trường có chương trình học bổng tuyển sinh “khủng” nhất. Trường dành 10% chỉ tiêu từng ngành để trao học bổng toàn phần và bán phần. Học bổng toàn phần là miễn phí 100% học phí toàn khóa - tương đương 168 triệu đồng (chương trình do trường cấp bằng). Học bổng bán phần là miễn 50% học phí toàn khóa học - tương đương 84 triệu đồng. Mức điểm học bổng toàn phần mà trường đưa ra cao nhất là từ 25,5 điểm trở lên (ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng), những ngành còn lại là từ 24,5 điểm trở lên; mức học bổng bán phần thì thấp hơn 1 điểm. 

Việc các trường ĐH quan tâm, tạo nhiều nguồn học bổng tiếp sức, khuyến khích tân sinh viên là hoạt động hết sức nhân văn. Song cũng có không ít trường đã làm cho ý nghĩa của “học bổng” bị méo mó, mang tính thương mại. Ví dụ như Trường ĐH Công nghệ TPHCM đưa ra mức học bổng 100% cho thí sinh nếu trúng tuyển với kết quả điểm thi THPT quốc gia đạt 27 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện này chỉ để gây sự chú ý cho thí sinh chứ thực tế không muốn trao học bổng (điều kiện để nhận học bổng toàn phần của Trường ĐH Quốc tế chỉ là 25,5 điểm). Một trường hợp khác: Trước đây để hút thí sinh đăng ký vào trường, Trường ĐH Tân Tạo đã đưa ra chương trình học bổng hấp dẫn. Nhưng trong quá trình học, trước những động thái bất nhất của trường, sinh viên đã phản ứng và phải chuyển trường. Tuy nhiên, điều không tưởng đã xảy ra khi Trường ĐH Tân Tạo vừa nộp đơn khởi kiện các sinh viên của trường này ra tòa án, để yêu cầu thanh toán học bổng và học phí còn nợ. Có tổng cộng 27 sinh viên đã chuyển trường nhưng còn nợ học bổng và học phí từ 1 - 3 năm. Theo đó, có sinh viên bị kiện yêu cầu hoàn trả cho trường này gấp 2 lần tiền học bổng đã nhận trước đó: nhận 156 triệu đồng - phải trả 312 triệu đồng!
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của cả nước thành lập Hội Khuyến học trực thuộc trường. Trong năm 2016, đã có 2.207 sinh viên được nhận học bổng, được hỗ trợ miễn giảm học phí từ nhà trường, trị giá hơn 8 tỷ đồng. Năm 2017, trường tiếp tục mở rộng những chính sách miễn, giảm học phí, trao học bổng và xây dựng thêm các chính sách khác, như: học bổng toàn phần 100% học phí, học bổng 70% học phí, học bổng 50% học phí… dành cho sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện; chính sách học bổng dành cho anh, chị, em ruột cùng học tại trường...

Tin cùng chuyên mục