Sôi động làm ăn mùa lũ

Việc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn thông báo lũ trên sông Cửu Long lên cao không làm cho người dân nao núng. Trái lại, nhiều người tỏ ra phấn khích khi nghe tin lũ về. Hàng loạt mô hình làm ăn trong mùa lũ được người dân và chính quyền các cấp đã sẵn sàng chờ nhập cuộc.
Sôi động làm ăn mùa lũ

Việc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn thông báo lũ trên sông Cửu Long lên cao không làm cho người dân nao núng. Trái lại, nhiều người tỏ ra phấn khích khi nghe tin lũ về. Hàng loạt mô hình làm ăn trong mùa lũ được người dân và chính quyền các cấp đã sẵn sàng chờ nhập cuộc.

  • Nhiều mô hình hiệu quả

Giữa tháng 9, chúng tôi trở lại vùng đầu nguồn An Giang - Đồng Tháp khi nước lũ đang xấp xỉ mức báo động 3. Hình ảnh chạy lũ như các năm trước không còn, thay vào đó là sự tất bật chuẩn bị các mô hình làm ăn mùa lũ. Ông Huỳnh Văn Tính, nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) hớn hở khoe: “Mấy ngày nay mệt bù đầu, vừa chạy tìm mua con giống, vừa vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị nuôi tôm càng xanh mùa lũ.

Sôi động làm ăn mùa lũ ảnh 1
Người dân vùng lũ Đồng Tháp, trồng nấm rơm hiệu quả kinh tế cao.

Mấy năm trước con giống dồi dào, gần đây nhiều người thả nuôi nên khan hiếm, có khi phải đặt mua trước cả tháng mà vẫn chưa có”. Cách đây 3 năm, ông Tính cùng với một số nông dân Thoại Sơn thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, ông qui hoạch 2,3 ha ruộng lúa thả nuôi gần 200 ngàn con tôm giống.

Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào trong mùa lũ như cá tạp, cua, ốc bươu vàng… cộng với công chăm sóc, sau mùa lũ, ông thu hoạch được 3.300 kg tôm thương phẩm, trừ các khoản chi phí còn lời gần 29 triệu đồng. Không riêng gì ông Tính, mà nhiều hộ khác ở Thoại Sơn cũng thu lời hàng chục triệu đồng từ mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ. Nếu như năm 2001, diện tích tôm càng xanh ở An Giang chỉ có 251 ha thì đến mùa lũ năm 2004 này đã phát triển lên 700 ha. Sản lượng ước đạt trên 438 tấn.

Tại các huyện khác như Phú Tân, An Phú, Châu Thành, Chợ Mới, mô hình này được nhiều nông dân nhân rộng. Phong trào nuôi tôm càng xanh đang phát triển mạnh ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… Sau khi thu hoạch lúa hè-thu, người dân chờ lũ về để nuôi tôm càng xanh.

Tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), mô hình trồng ấu mùa lũ cho hiệu quả gấp nhiều lần so trồng lúa. Anh Phạm Văn Sáu, “kiện tướng” trồng ấu khẳng định: “1 ha ấu cho năng suất từ 15 - 20 tấn, giá trung bình từ 2.000đ - 3.500đ/kg. Như vậy, trừ chi phí còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Trồng ấu đầu tư thấp; ít tốn công chăm sóc và thu hoạch được nhiều lần. Nhiều gia đình còn nuôi cá đồng xen với trồng ấu, thu nhập cao hơn”.
 
Nuôi cá lóc, cá rô, trồng nấm rơm, rau màu, đóng xuồng, đan lờ lọp… là những mô hình làm ăn trong mùa lũ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nơi hình thành nên dây chuyền làm ăn bài bản, từ sản xuất, thu hoạch và có hẳn đại lý thu mua tại chỗ.

  • Cần qui hoạch mang tính toàn vùng
Sôi động làm ăn mùa lũ ảnh 2
Nông dân vùng lũ thu hoạch tôm càng xanh.

Kỹ sư Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, năm 2003 lũ nhỏ, nhưng thu nhập từ mùa lũ vẫn khá cao. Chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp giá trị đạt trên 1.295 tỷ đồng, tăng 288 tỷ đồng so với năm 2002.

Lũ còn “giải quyết” việc làm cho gần 179.116 lao động, chiếm khoảng 27% tổng số lao động nông thôn. Mùa lũ năm nay, An Giang tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; mở nhiều lớp dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông, vốn, giúp bà con làm ăn, tăng thu nhập.

Theo dự báo, tình hình lũ như hiện nay rất thuận lợi để nông dân ĐBSCL khai thác lợi thế, áp dụng sản xuất, nuôi thủy sản mùa lũ. Chủ trương “sống chung với lũ” và làm giàu trong mùa lũ mà Chính phủ đầu tư cho vùng ĐBSCL đang được chính quyền và người dân phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nhiều địa phương đầu tư và khai thác chưa đồng bộ. Một số mô hình còn mang tính tự phát, thiếu qui hoạch và chưa chứng minh được tính hiệu quả lâu dài. Lâu nay, chúng ta cứ chăm bẵm vào khai thác mà thiếu ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí gây ra ô nhiễm nguồn nước. Hậu quả dẫn đến hàng trăm hộ nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp, An Giang bị thiệt hại trong các mùa lũ vừa qua là một bài học cần rút kinh nghiệm.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, sản xuất ở vùng lũ hiện nay còn mang nặng hình thức nông hộ, manh mún nhỏ lẻ. Việc nuôi, trồng chưa gắn với thị trường tiêu thụ; từ đó đầu ra sản phẩm không ổn định và dễ gặp rủi ro. Để khắc phục những hạn chế này, các tỉnh cần có sự hợp tác, thống nhất qui hoạch tổng thể mang tính toàn vùng. Liên kết lại, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, giảm được chi phí giá thành, nâng cao chất lượng và tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường tràn lan.

Tiềm năng kinh tế vùng lũ ĐBSCL rất lớn, không những sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, mà sản phẩm phục vụ xuất khẩu cũng rất dồi dào. Vấn đề còn lại là làm thế nào tận dụng, khai thác hợp lý, biến mùa lũ thành mùa làm giàu. Điều này cần cơ chế đầu tư đúng hướng, có tiếng nói chung giữa người dân và các ngành chức năng vùng lũ.
 

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục